CHÙA NGUYÊN NGỘ
chuanguyenngo.com

Chào mừng Quý Phật tử đến với Ban Bảo trợ 
www.chuanguyenngo.com

Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
Chung tay cứu độ thế gian
Vạn sự an bình phúc để ngàn sau 
Hãy mang hạnh phúc cho nhau
Còn hơn cay đắng khổ đau cuộc đời
Người ơi hãy giữ lấy lời
Nhân nào quả ấy khắc lời thiên thu



TỰ HÀO LẮM, ĐẠI TÒNG LÂM ƠI!

Thượng tọa Thích Đạo Nguyên

Những lữ khách mãi dạo chơi vườn mộng

Ông lái đò còn đợi, bến ngày xưa!

Thoáng chốc mà đã 26 năm, kể từ khi Tăng Ni sinh Khóa I chúng tôi rời khỏi ghế nhà trường, nơi đã ươm mầm cho nhiều hạt Bồ đề đơm hoa, kết trái và cũng chính là nơi ghi dấu tên tuổi của vị Tổ khai sơn - Thiện Hòa thượng nhân - bậc Danh Tăng, thạch trụ của Phật giáo thời cận đại.

Chúng tôi, Tăng Ni Đại Tòng Lâm - Thiện Hòa ngày đó, như những cánh chim non hồn nhiên nhưng đầy trăn trở và nhiệt huyết từ bốn phương tựu về, dự học lớp bổ túc giáo lý, những mong thẩm thấu được chân lý tối thượng của Phật-đà. Ai không khỏi dâng trào niềm xúc cảm vô biên và tri ân vô hạn khi được xuất thân từ mái trường Cơ Bản Phật Học Đại Tòng Lâm.


Ở vùng đất khô cằn ngày ấy, Thầy cuốc đất, trò nhổ cỏ, trồng cây, cải tạo đời sống nơi vùng núi đồi còn nhiều hoang sơ. Dẫu là chốn rừng thiêng nước độc, nhưng không hề làm nhụt chí và ảnh hưởng đến tâm ban sơ, hồn nhiên, trong sáng và đầy nhựa sống của chúng tôi. Để rồi, ngày tháng trôi qua, từng mái nhà tranh vách đất lần lượt mọc lên, đủ để cho Tăng Ni chúng tôi che nắng che mưa, tụng kinh lễ Phật. Những luống cải, vườn rau, nhờ dày công vun xới, chăm bón, tưới tẩm cũng nẩy mầm và lớn dần lên tươi tốt, tạm cung cấp thực phẩm hàng ngày cho đại chúng. Đêm về, chúng tôi ngồi xúm xít bên ngọn đèn dầu bé xíu, cùng nhau dùi mài Kinh Luận mong được khai tâm, mở trí làm hành trang, vốn liếng để tiếp nối hành trình “Truyền đăng, tục diệm”. Cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn, vất vả, thiếu hụt đủ điều nhưng cả Thầy lẫn trò, bằng tâm bồ-đề kiên cố và sự hợp nhất trong mọi lãnh vực, tài năng, trí tuệ, tâm huyết đã cùng nhau tu học và làm việc rất hiệu quả, mong làm sống dậy ánh đạo vàng mà Đức Phật Thích-ca, các vị Tổ sư chư vị Ân Sư, Giáo thọ đã dày công khai sáng và nối truyền.

Hằng ngày lên lớp, chúng tôi hết lòng lắng nghe để thâm nhập từng lời kinh trang sử do những vị giáo thọ tận tâm khai mở. Những pháp âm vi diệu của Quý Ngài  đã đánh thức chúng tôi, những gã cùng tử lang thang sớm quay về tiếp nhận gia tài của Đức Từ phụ.


Hôm nay, nhìn lại, thoáng chốc đã 30 năm, trở lại mái trường xưa, nhìn thấy bóng dáng của Thầy - vị Hiệu Trưởng đầy tâm huyết, ông lái đò năm xưa, suốt 30 năm qua vẫn nhẹ nhàng, khoan thai, ôn hòa, từ ái; vẫn chiếc áo sờn vai, kiên trì bên bến đò xưa ấy miệt mài đón đưa nhiều thế hệ từ bờ mê qua bến giác. Chúng tôi, những kẻ lữ hành, khi đò cập bến thì chia nhau mỗi người mỗi ngã, tiếp nối sứ mạng thiêng liêng “thượng cầu hạ hóa”.

Một năm, sau khi rời trường để học Cao cấp Phật học tại Tp. Hồ Chí Minh (1993), Khóa I chúng tôi trở lại trường và tổ chức lễ truyền thống đầu tiên cho bản trường và thành lập hội “Thiện Hữu”, nhưng chỉ hoạt động được một năm rồi mỗi người lại đi về một hướng.

Và thế rồi chúng tôi đi và cứ đi…..Có rất nhiều người gần 30 năm chưa từng gặp mặt. Rồi một nhân duyên tình cờ, khi người bạn cùng học, Thầy Thích Chánh Hạnh lâm trọng bệnh, chúng tôi bắt đầu tìm cách liên lạc và nối kết từng người. Thế là nhân duyên hội ngộ đủ đầy, Hội “Tòng Lâm-Thiện Hòa 89” ra đời, kết hợp lớp Cơ bản khóa I,  khóa II và Cao đẳng khóa I.


Kỳ họp đầu tiên, với mục đích thành lập Ban Điều hành hội và lên kế hoạch tổ chức ngày lễ truyền thống lần thứ 27 tại bản trường diễn ra vào ngày 07/03/2019 tại chùa Nguyên Ngộ 262 Lê Thị Riêng, Phường Thới An, Quận 12, TP.HCM (TT. Thích Nhuận Quang trụ trì), Ban Điều hành được suy cử và ra mắt với sự tham dự gần 100 thành  viên. Buổi họp kết thúc trong niềm hoan hỷ vô biên.

Ban Điều hành hội gồm có:

Ban Cố Vấn:

-  TT. Thích Trung Đạo

-  TT. Thích Trung Tánh

-  NS. Thích Nữ Hạnh Nhân

Ban Điều Hành

Hội trưởng:  TT. Thích Nhuận Quang

Phó Hội trưởng Thường trực: TT. Thích Thiện Thuận   

Các Phó Hội trưởng:       

-        TT. Thích Minh Khai                      - TT. Thích Thiện Mỹ

-        TT. Thích Thường Tín                    - TT. Thích Thánh Minh

-        NS. Thích nữ Như Dung                - NS. Thích nữ Như Diên

-        NS. Thích nữ Như Liên Tâm          - NS. Thích nữ Hạnh Nghiêm 

-        NS. Thích nữ Nguyên Thiện 

Thư ký: SC. Thích nữ Thuần Chơn

Phó Thư ký: Cư Sỹ Quảng Bình

Thủ quỹ: SC. Thích nữ Quảng Nhật

Và cùng với 100 ủy viên


Với vai trò Hội trưởng, TT. Thích Nhuận Quang đã đề xuất Điều lệ và Quy chế hoạt động của Hội trong thời gian tới. Ban điều hành Hội sẽ phối hợp cùng với Lãnh đạo Ban Giám hiệu Trường Phật học Đại Tòng Lâm để triển khai những chương trình Kỷ niệm 30 năm thành lập Trường và Le3ex Truyền thống lần thứ 27 (năm 2020).

Ngày gặp lại sau gần 30 năm từ giã mái trường, xa Thầy, xa bạn, nhưng chúng tôi vẫn thấy ấm áp lạ thường, đến với nhau như chưa một lần xa cách: vẫn ngây ngô, vui vẻ, tình cảm vẹn nguyên như thuở còn cắp sách. Cùng gặp nhau, họp hành, hàn huyên, chia sẻ những Phật sự, cũng như kinh nghiệm tu học trong chặng đường qua. Dù có vị tuổi đã trên 60 nhưng vẫn đầy nhiệt huyết, dấn thân, phụng sự và chia sẻ hầu hết những hữu sự cùng huynh đệ trên khắp mọi miền đất nước.

Có những việc làm tuy giản đơn nhưng mang đầy ý nghĩa cao đẹp. Dấu ấn đậm nét nhất là ngày 29/10/2019, chúng tôi đã đồng lòng tổ chức chuyến hành hương về xứ Phật, Bồ-đề đạo tràng, gồm 24 vị cùng nhau tu tập và chia sẻ trong 10 ngày. Suốt thời gian tu tập tại đây, thời khóa nào chúng tôi cũng hướng về Hòa thượng Hiệu trưởng, Ni trưởng Quản viện, Chư vị Giáo thọ và một vài huynh đệ đang lâm bệnh để cầu an và gởi năng lượng bình an; đồng thời hướng đến chư Giáo thọ và chư huynh đệ quá vãng lời cầu nguyện cao đăng Phật quốc. Buổi trà đạo “Đạo tình bên tách trà” vào mỗi tối sau thời khóa tu tập tại tháp Đại Giác là khoảnh khắc nghĩa tình đậm nét mà dẫu suốt cuộc đời cũng không thể nào quên được. Đêm trước khi rời khỏi Bồ-đề đạo tràng trở về Việt Nam, chúng tôi đã thắp ngàn ngọn nến tưởng niệm, tri ân chư Phật, chư Tổ, chư vị Ân Sư, Giáo thọ và chư huynh đệ quá vãng trong nỗi niềm xúc cảm vô biên qua lời đọc của Thượng tọa Thích Trung Đạo.

Ấn tượng nhất, nhiệm mầu nhất và xúc cảm nhiều nhất là sáng sớm ngày thứ ba, sau  khi đến Bồ-đề đạo tràng. Khi nghe trong chương trình lạy tam bộ nhất bái từ chân núi Linh Thứu lên tới đỉnh núi, một số huynh đệ lớn tuổi cảm thấy ngại. Vì rằng, người thì cao huyết áp, không lạy nhiều được; vị thì đau lưng, đau chân, đau khớp... nhưng không ai có ý kiến, và mỗi người tự tâm niệm rằng “thôi thì  đến đâu hay đến đó”.  Nhưng thật kỳ lạ thay, vi diệu thay, càng lạy, tất cả mọi người đều thấy càng khoẻ, và cuối cùng đã lên tới đỉnh một cách nhẹ nhàng, thoải mái và cảm nhận được năng lượng an lạc thật sự. Đến đây không ai bảo ai, nhưng có lẽ mỗi người đều cảm nhận  “đức chúng như hải”, và  nhớ lại lời Đức Phật đã dạy, Giáo pháp của Ngài không phải đến để tin, mà đến để thấy, thực hành và cảm nhận...

Vài năm gần đây, Ni sư TN. Liên Tâm trụ trì Tịnh xá Ngọc Chơn (Bến Cầu, Tây Ninh) đã âm thầm tổ chức các kỳ hiệp kỵ chư huynh đệ quá cố khóa I và II mang tính tự nguyện với tất cả tâm tư tình cảm mong được sưởi ấm người đi xa, và chỉ mời vài huynh đệ tham dự. Nhưng năm nay, vào ngày 15/12/ 2019 (20/11/ Kỷ Hợi), nhân Lễ Tiểu tường cố Thượng tọa Thích Chánh Hạnh, Hội “Tòng Lâm-Thiện Hòa 89” chính thức tổ chức Lễ Hiệp kỵ đầu tiên tại chùa Phật Ân (Long Thành, Đồng Nai) do Thượng tọa Trụ trì Thích Trung Đạo - Tăng sinh Khóa 1 đăng cai tổ chức với sự tham dự của hơn 20 huynh đệ khóa I và II Lớp Cơ bản Phật Học, và Cao đẳng khóa I. Buổi lễ diễn ra trong không khí long trọng, trang nghiêm, nhưng thâm tình pháp lữ đậm đà làm cho mọi người cảm thấy ấm lòng và cảm xúc bùi ngùi khi thực sự có một ngày trong năm giữa dòng đời xuôi ngược dành cho những người bạn đã nằm xuống. Với tinh thần luôn nhớ đến những người bạn đồng tu đồng học thời cơ hàn trên thánh địa Đại Tòng Lâm, khi mà Tăng Ni sinh chúng tôi đã trải qua nhiều thăng trầm, biến dịch giữa cuộc sống vô thường này, giờ đây, chúng tôi mới nhận ra sự quý giá của những lần gặp gỡ, vì có thể sẽ là sự chia xa sau lần gặp này. Ni sư TN. Minh Lạc, trụ trì chùa Huệ Hà (Ninh Hòa, Khánh Hòa) xin đăng cai tổ chức Lễ hiệp kỵ năm 2020 tại Khánh Hòa trong niềm hoan hỷ của huynh đệ. Và cứ thế, chúng tôi thống nhất mỗi năm một thành viên sẽ đăng cai tổ chức Lễ Hiệp kỵ trong vòng tay thân tình của tất cả huynh đệ.


Nhân dịp ra mắt tập Kỷ yếu “Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Trường”, chúng tôi xin lưu lại nơi đây một vài dấu ấn từ thuở ban sơ, ngồi trên ghế nhà trường, và tình Thầy trò, huynh đệ trong suốt chặng đường 30 năm qua, để gọi là “Lưu dấu một thời” tạo nên chất liệu đáng trân quý trong cuộc đời Sứ giả Như Lai. Để nhớ về bến đò năm xưa tuy nhỏ bé, đơn sơ, giản dị và còn nhiều thiếu thốn, nhưng ai đã một lần ghé ngang qua bến đò này, sau 30 năm  đều đã trở thành những người có tâm lượng lớn, trí tuệ lớn và trách nhiệm lớn, đảm nhiệm nhiều công việc  quan trọng  trong Giáo Hội  khắp  các Tỉnh Thành trong nước cũng như nước ngoài.


Ba mươi năm một chặng đường

Còn đây lưu dấu mái trường năm xưa

Dáng Thầy vững chãi nắng mưa

Cho con được sống sớm trưa yên bình

Từ khi cất bước đăng trình

Lòng con mãi khắc bóng hình ân Sư

Người về cõi Tịnh Chơn Như

Người còn ở lại thuyền từ độ sinh

Ba mươi năm nghĩa đệ huynh

Xin người hãy nhớ tình thâm một thời

Dẫu cho cách biệt ngàn nơi

Tình Thầy nghĩa bạn  muôn đời khắc ghi.


Tăng Ni sinh Khóa 1 khi còn học dưới mái trường Trường Cơ bản Phật học Đại Tòng Lâm này với khoảng 50 vị, giờ điểm lại thì cũng đã có 8 người ra đi mãi mãi, một vài vị không giữ được chiếc áo tu bởi sự nghiệt ngã của cuộc đời, số còn lại khoảng 30 vị vẫn tâm nguyện tha thiết học đạo, hành đạo và hoằng truyền chánh đạo để đền ơn Tam bảo qua các sứ mạng khác nhau tại các trụ xứ trong nước và hải ngoại: tham gia Giáo hội các cấp với nhiều vai trò giáo dục, hoằng pháp, từ thiện xã hội; nghiên cứu, trước tác, phiên dịch… Tuy đóng góp công sức, trí tuệ cho Giáo hội và cộng đồng còn khiêm tốn, nhưng chí ít, chúng tôi cũng đủ tự hào rằng mình được trưởng thành từ mái nhà Đại Tòng Lâm, và chính ngôi trường này đã hun đúc tinh thần, truyền trao kiến thức cho chúng tôi để có được những thành quả trong suốt chặng đường dài hơn một phần tư thế kỷ qua.


Để nhớ về bến đò năm xưa tuy nhỏ bé, đơn sơ, giản dị và còn nhiều thiếu thốn, nhưng ai đã một lần ghé ngang qua bến đò này, sau 30 năm đều đã trở thành những người có tâm lượng lớn, trí tuệ lớn và trách nhiệm lớn, đảm nhiệm nhiều công việc quan trọng  trong Giáo hội khắp các Tỉnh hành trong nước cũng như nước ngoài. Tận chiều sâu tâm thức chúng tôi, ai cũng nhớ và biết ơn Trường Phật học Đại Tòng Lâm.


Tự hào lắm, Đại Tòng Lâm ơi!