CHÙA NGUYÊN NGỘ
chuanguyenngo.com

Chào mừng Quý Phật tử đến với Ban Bảo trợ 
www.chuanguyenngo.com

Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
Chung tay cứu độ thế gian
Vạn sự an bình phúc để ngàn sau 
Hãy mang hạnh phúc cho nhau
Còn hơn cay đắng khổ đau cuộc đời
Người ơi hãy giữ lấy lời
Nhân nào quả ấy khắc lời thiên thu



Mong một cái Tết bình an

Tết nguyên đán còn gọi là tết đoàn viên, là khoảnh khắc thiêng liêng nhất của những người con tha phương cầu thực có cơ hội trở về đoàn tụ với ông bà, cha mẹ, nơi chôn nhau cắt rốn. Công việc đầu tiên trong những ngày cuối năm là thể hiện tấm lòng của người sống đối với Tổ tiên, ông bà và những người thân đã mất là chạp mã, nhổ cỏ, dọn dẹp sạch sẽ, đốt hương, hoa trái như một cách sưởi ấm tấm lòng những người đã khuất. Cùng quay quần bên bếp lửa hồng với nồi bánh chưng xanh, râm ran tiếng cười chiều ba mươi tết, như trút bỏ hết bao muộn phiền, lo toan của một năm. Chuẩn bị những mâm cơm để rước ông bà trở về cùng thưởng thức những món ăn mà con cháu dâng cúng, thể hiện tinh thần tri ân, báo ân, thương cội nhớ nguồn.



Thượng tọa,TS.Thích Đạo Nguyên

 

Một năm trôi qua. Dầu nhẹ nhàng thanh thản đầy ắp những tiếng cười vì  niềm vui thành đạt, hạnh phúc như những năm trước, hay nặng nề trôi qua với bao cảnh tan thương mất mác và những giọt nước mắt đẫm ước khóe mắt  của năm nay, rồi thì cũng qua đi tất cả.

Xuân đã về! Những cái se lạnh của mùa đông năm nay kéo dài hơn mọi năm. Nhiều cảm xúc miên man bất tận đan xen khi nghĩ về thân phận con người và hoàn cảnh xung quanh. Một năm đã trôi qua biết bao nhiêu biến động. Công việc chựng lại, làm ăn thất thu, người thân và gia đình liên tục gặp sự cố, tâm lý bị áp lực bởi lo âu và phiền muộn phũ giăng.v.v…Thế nhưng với bản năng sinh tồn, con người ta vẫn luôn tiềm tàng một sức mạnh để vượt lên số phận. Trong tan thương mất mác, thất bại hay khổ đau, người ta vẫn luôn hy vọng vào một ngày mai tươi sáng hơn, tốt đẹp hơn.  

Xuân năm nay cũng thế, sau một năm nhiều buồn bả thê lương, khi nhìn thấy lác đác bên hiên vài cánh mai vàng đang hé nở, lòng mọi người thoáng lên một cảm giác nôn nao khó tả. Chuẩn bị, mong đợi và hy vọng một mùa xuân trở về trong một hoàn cảnh thanh bình, vui nhộn khi bóng dáng của covid ngày càng mờ nhạt. Dẫu sự chuẩn bị đón xuân không nhộn nhịp, đua chen, tất bật như những xuân xưa, nhưng vẫn tiềm tàng một sức mạnh của niềm tin một mùa xuân an bình sẽ đến.

 

 

Hàng năm, những ngày đầu của tháng chạp,  không khí nhộn nhịp đua chen mua sắm đã tràn ngập trên khắp mọi nẽo đường. Thế mà năm nay, nữa tháng chạp trôi qua, nhưng không khí vẫn còn im ắn đến lạ thường. Những người trồng trọt, sản xuất, e ngại sợ không có người mua nên không dám đầu tư. Người mua thì qua một năm nhiều thất thu và khốn khó, nên giờ phải cần kiệm và tính toán cho kỹ,. Trong nhịp sống bon chen, hối hả của những ngày xuân ấy, giờ bỗng dưng chựng lại. Ngoài đường không tấp nập đoàn người mua sắm, thay vào đó hàng hàng, lớp lớp người khăn gói về quê sớm hơn mọi năm.

Tết  của thế gian mang một  nghĩa “trở về nguồn cội”. Với mong muốn sự trở về của mình đem lại hơi ấm tình thương cho những người thân trong ba ngày tết bằng những món quà nho nhỏ, hay những bao lì xì đo đỏ mang đến những điều may. Đặc biệt, đối với người con Phật, ngoài ý nghĩa “trở về” với gia đình, với người thân, thì còn “trở về” với chính mình. Một năm đã trôi qua, với biết bao niềm vui, nỗi buồn, thành bại đan xen, ta đã làm được gì cho chính mình và cho những người xung quanh bằng những năng lượng tích cực và bình an. Kết thúc một năm, thu gom, dọn dẹp cho ngôi nhà được đẹp đẽ, khang trang, thì chúng ta cũng cần thu gom những rác thải, những cấu uế, nhiễm ô đang tồn đọng trong tâm thức của mình. Nếu chỉ dọn dẹp bên ngoài mà quên gội rửa bên trong thì không phải tinh thần đón xuân của người con Phật.

Mồng một tết là ngày đa số mọi người dầu là Phật tử hay không cũng mong muốn đến chùa thắp hương cầu nguyện, mong mọi điều tốt đẹp nhất sẽ đến trong năm mới. Mồng một tết cũng là ngày vía của Đức Phật Di Lặc, một vị Phật tương lai tượng trưng cho hạnh Từ bi và hỷ xả. Nếu lạy Ngài, cầu Ngài nhưng không học theo hạnh Ngài để bao dung, tha thứ, để hiểu biết, thương yêu thì chúng ta cũng vẫn mãi khổ đau còn nguyên đó. Trong lý duyên sinh, trùng trùng duyên khởi thì không có sự bắt đầu hay kết thúc. Kết thúc chính là sự bắt đầu và ngược lại. Thế nên những ngày cuối cùng, tạm gọi là kết thúc một năm, cũng chính là những khoảnh khắc mà con người cần phải tư duy, suy nghiệm nhiều hơn để rút ra những kinh nghiệm, những bài học trong một năm đã qua để thay đổi và chuyển hóa nội tâm cho một năm mới nhiều niềm vui và hạnh phúc hơn. Muốn chuyển hóa để đem lại sự bình an, hạnh phúc cho mình và cho người không gì khác hơn là hãy học theo gương của Phật Di Lặc, “bụng lớn bao dung, dung những điều khó dung trong thiên hạ. Mắt từ thường xả, xả những điều khó xả của thế gian”.

 

Ảnh minh họa

 

Ngóng trông, mong đợi một mùa xuân an bình hạnh phúc, chắc chắn đó là tâm trạng chung của tất cả mọi người trong lúc này, khi cuộc sống vẫn còn đó nhiều khó khăn chồng chất, dịch bệnh tràn lan. Nhưng bằng sự tự thiết lập yên bình của nội tâm của người con Phật, thì dầu xuân đến hay đi, chúng ta vẫn tự tại an nhiên giữa dòng đời biến động. Nếu tâm luôn hướng đến sự thiện lành, tốt đẹp, thương yêu tất cả,  thì xuân vẫn mãi trong lòng chúng ta.

TT. Thích Đạo Nguyên