CHÙA NGUYÊN NGỘ
chuanguyenngo.com

Chào mừng Quý Phật tử đến với Ban Bảo trợ 
www.chuanguyenngo.com

Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
Chung tay cứu độ thế gian
Vạn sự an bình phúc để ngàn sau 
Hãy mang hạnh phúc cho nhau
Còn hơn cay đắng khổ đau cuộc đời
Người ơi hãy giữ lấy lời
Nhân nào quả ấy khắc lời thiên thu



Làm chủ sợ hãi

Sợ hãi là bản năng vốn sẵn có của con người. Từ khi mới lọt lòng mẹ, đứa trẻ đã khóc thét lên vì sợ hãi. Sợ, vì những tháng ngày sống bình yên, êm ấm trong hoàng cung thai mẹ (tử cung) đã không còn. Sợ, vì đã hết được mẹ bao bọc chở che, nay phải đối diện và gồng mình chống chọi với nóng, lạnh, ồn ào, náo nhiệt mà cuộc đời đem đến.v.v…



Thượng tọa, TS. Thích Nhuận Quang - Trụ trì chùa Nguyên Ngộ

 

Con người càng trưởng thành thì nỗi sợ cũng lớn dần theo tuổi tác. Còn nhỏ ở với ba mẹ thì sợ đòn roi, sợ ma, sợ bóng tối; lúc cắp sách đến trường thì sợ điểm xấu, sợ thầy cô phạt; ra đời thì sợ bị ăn hiếp, thua thiệt bạn bè; khi trưởng thành, yêu đương thì sợ người yêu chia tay, phụ bạc; đến già thì sợ bệnh, sợ cô đơn, sợ chết…

Đức Phật nói nỗi khổ lớn nhất của con người là lòng sợ hãi. Những nỗi sợ hãi này đến từ một tâm trống vắng, hoang vu, không làm chủ được bản thân mình nên để những yếu tố bên ngoài tấn công làm ta dễ bị hốt hoảng. Trong Kinh “Sợ hãi và khiếp đảm, Trung Bộ Kinh I, Đức Phật dạy rõ; thường thì những sự sợ hãi và khiếp đảm ấy khởi lên và chi phối toàn diện những ai thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp không thanh tịnh; hoặc những người bị chi phối mãnh liệt bởi năm triền cái (tham dục, sân hận, hôn trầm, trạo cử, nghi hoặc); hay những người tự khen mình chê người, những người ham muốn danh lợi, những người lười biếng, thất niệm, tán loạn, si ám.

Dù có sợ hay không thì những khổ đau vẫn thường xuyên tìm đến, kể từ khi ta có mặt trên cuộc đời này. Thế thì làm sao không bị nỗi sợ hãi chi phối mỗi khi những cảnh trái ý, nghịch lòng không mong đợi xảy ra?

Thông thường, khi khổ đau hay lo sợ, con người lại tìm về một chỗ dựa tâm linh để van xin cầu khẩn, tùy theo tín ngưỡng riêng của mình. Chưa biết kết quả thế nào, nhưng hễ có chỗ để con người bám víu, nương tựa thì ngay lúc đó ta cảm thấy bớt sợ hãi. Riêng đối với đạo Phật, thì Phật cũng cho chúng ta nương tựa (quy y Tam Bảo), nhưng đó chỉ là nấc thang đầu tiên và căn bản, nhân tố chính để giúp chúng ta làm chủ được sự sợ hãi lâu dài và bền vững, chính là sự nỗ lực tu tập của bản thân. Chúng ta sợ vì trong mình còn thiếu hụt nhiều năng lượng, khi tu tập, là  đỗ đầy năng lượng trong ta, ví như tự xây hòn đảo kiên cố trong mình, nên sẽ không còn sợ chênh vênh chao đão. Chính vì thế mà Đức Phật luôn căn dặn: “Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một điều gì khác. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một điều gì khác” (Kinh Tương ưng V, chương 3, phẩm Ambapàli, phần Bệnh).

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có câu: “có chút tình thoảng như gió thổi, tôi chợt nhìn ra tôi” (Như một lời chia tay). Chính vì cuộc tình chỉ thoáng qua, nên ta mới cảm nhận được sự mong manh, vô thường, nương tựa bên ngoài thì hoàn toàn không có gì chắc chắn. Kịp quay về nhìn lại chính mình để chế tác năng lượng vững mạnh, bình an đủ sức để chống chọi với sóng gió cuộc đời, mà từ lâu ta đã lãng quên, lang thang đi hoang tìm kiếm những ảo ảnh, phù du bên ngoài làm cái của mình. Nói thì nghe đơn giản nhưng để nhận ra được điều này là cả một quá trình thực tập lâu dài về đạo lý vô thường và duyên sinh. Sống với nó trong từng giây phút thì khi xảy đến ta mới đủ bình tâm mà nhận diện để không còn sợ hãi, khổ đau và tuyệt vọng.

Tôi không dùng từ “vượt qua sợ hãi”, mà dùng từ “làm chủ”, bởi vì vượt qua có tính chất như một nỗi sợ hãi nào đó chỉ thi thoảng và bất chợt xảy đến, lúc ấy ta đủ sức mạnh để có thể vượt qua được. Nhưng nếu có một nỗi sợ hãi khác xuất hiện, nếu lúc đó không đủ sức mạnh, thì ta khó mà vượt qua. Còn “làm chủ” thì bất kỳ trong phút giây nào ta cũng làm chủ và nhìn nhận rõ; để không bị sợ hãi chi phối. Vì thực tế cuộc sống thì có muôn vàn nỗi sợ, lớn nhỏ đủ kiểu, và thường xảy ra xung quanh ta. Tất cả những nỗi sợ này có chung một xuất phát điểm là từ một cái tâm còn yếu đuối, tâm hoang vu, còn chạy theo những cảnh duyên bên ngoài mà chưa thật sự quay vào bên trong chính mình. Vì còn mãi rong ruỗi bên ngoài nên không có đủ sức mạnh bên trong, khi sợ hãi đến không đủ sức để đối diện và chống chọi. Vì vậy Đức Phật dạy cách điều phục và làm chủ được những sợ hãi ấy bằng cách sống tỉnh giác chánh niệm, an trú vào phút giây hiện tại. Nếu ta đang ở một trạng thái nào, sợ hãi xảy ra thì ta nên giữ nguyên trạng thái đó, tỉnh giác và nhận diện nó, thì tại chỗ ấy nỗi sợ hãi liền tan biến “Này Bà-la-môn trong khi Ta đi kinh hành qua lại mà sợ hãi khiếp đảm ấy đến, thì này Bà-la-môn, Ta không đứng, Ta không ngồi, Ta không nằm, nhưng Ta trừ diệt sợ hãi khiếp đảm ấy trong khi Ta đi kinh hành qua lại. Này Bà-la-môn, trong khi Ta đang đứng mà sự sợ hãi khiếp đảm ấy đến, thì này Bà-la-môn, Ta không kinh hành qua lại, Ta không ngồi, Ta không nằm, nhưng Ta trừ diệt sợ hãi khiếp đảm ấy trong khi Ta đang đứng. Này Bà-la-môn, trong khi Ta đang ngồi mà sợ hãi khiếp đảm ấy đến, thì này Bà-la-môn, Ta không nằm, Ta không đứng, Ta không kinh hành qua lại, nhưng Ta trừ diệt sợ hãi khiếp đảm ấy trong khi Ta đang ngồi. Này Bà-la-môn, trong khi Ta đang nằm mà sợ hãi khiếp đảm ấy đến, thì này Bà-la-môn, Ta không ngồi, Ta không đứng, Ta không kinh hành qua lại, nhưng Ta trừ diệt sợ hãi khiếp đảm ấy trong khi Ta đang nằm.  (Kinh Sợ hãi và khiếp đảm, số 4 - Trung Bộ I)

 

 

Như vậy để làm chủ những nỗi sợ hãi không gì khác hơn là chúng ta tự phát triển sức mạnh nội tâm, bằng cách thực tập thiền định mỗi ngày, đưa tâm về an trú một chỗ, để cho tâm vững mạnh hơn, kiên định hơn, sáng suốt hơn để nhìn rõ; mọi sự mọi vật diễn ra một cách tự nhiên như “nó đang là”. Nhìn rõ; vạn sự vạn vật đều chịu tác động và chi phối bởi định luật vô thường trong từng sát na sanh diệt (thành, trụ, hoại, không, hay sanh, trụ, dị diệt). Điều phục và vượt qua nỗi sợ hãi bằng cách không trốn chạy mà nhận diện nó một cách rõ; ràng bằng tâm định tĩnh và trí tuệ sáng suốt.

Thế giới đang từng ngày xảy ra nhiều biến động, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai ương…  Tất cả những điều này diễn ra một cách liên tục với  mức độ tàn phá kinh khủng, gây thiệt hại đến thiên nhiên, môi trường và đe dọa mạng sống con người, làm cho chúng ta càng thêm lo lắng và sợ hãi.  Vì thế ngay giờ phút này đây, chúng ta hãy trở về nương tựa Phật, nương tựa Pháp, nương tựa Tăng, làm chỗ dựa tinh thần cho ta đủ sức mạnh và niềm tin. Nỗ lực tu tập, quán chiếu bản thân, chế tác năng lượng bình an, nhìn thế cuộc  đang vô thường và biến đổi một cách tự tại an nhiên mà không hề sợ hãi, làm chủ cảm xúc, làm chủ sợ hãi, đúng như lời Thiền Sư Vạn Hạnh đã nói: “Nhậm vận thịnh suy vô bố úy, thịnh suy như lộ thảo đầu phô”

 

Nguyên Ngộ, ngày 09 tháng 09 năm 2021

TT. Thích Đạo Nguyên (Nhuận Quang)