THẾ NÀO LÀ ĐẠO TRÀNG
Đạo tràng là nơi hội tụ của những người con Phật có cùng một ý hướng chuyên tu theo một pháp môn mà mình đã chọn. Hơn bao giờ hết, hiện chúng ta đang sống trong một thế giới đầy nhiễu nhương, biến loạn, hận thù, tranh chấp và tàn hại lẫn nhau. Thiên và nhơn tai họa hại xảy ra hàng ngày. Lòng người không bao giờ an ổn. Con người mãi chạy theo vật dục đánh mất định hướng lương tri. Đời sống càng ngày càng nổi trôi trong biển đời đầy hệ lụy đau thương. Muốn thoát ra khỏi nổi khổ đau của thế giới đảo điên biến loạn nầy, chỉ có pháp môn niệm Phật mới có thể đảm bảo cứu thoát được con người.
Theo chiều hướng đó, việc kết hợp mọi người về một nơi để cùng nhau tu học, hành trì niệm Phật đó là điều vô cùng thiết yếu. Người xưa nói: “ăn cơm có canh, tu hành có bạn là ý nầy vậy”. Đạo tràng Trần Nhân Tông là nơi hội tụ của những người bạn sen có cùng chí hướng, lý tưởng cùng học đạo hằng an vui tự tại giữa bể khổ trầm luân. Muốn cho đạo tràng ngày càng phát triển vững mạnh hơn, thì mỗi người chúng ta là một viên gạch góp phần xây dựng. Đó là một ý hướng chung của đạo tràng. Tuy nhiên, muốn cho đạo tràng được thành tựu cao đẹp vững mạnh hơn nữa, thì chúng ta cần phải dựa vào những mô thức và những yếu tố nào để xây dựng? Đó là điều, mà chúng tôi thiết nghĩ, chúng ta cũng cần nên tìm hiểu qua, để từ đó, chúng ta cố gắng cùng nhau góp phần xây dựng cho mỗi cá nhân cũng như chung cho cả đạo tràng có nhiều tiến bộ khởi sắc hơn.
I. Thế nào là đạo tràng?
Nói đến đạo tràng chúng ta có thể hiểu qua hai ý nghĩa:cạn và sâu.
a. Đạo tràng theo ý nghĩa sự tướng.
Về ý nghĩa theo dạng thức sự tướng, thì đạo tràng là nơi hành đạo: thuyết pháp, truyền giới, thọ bát v.v…Nói chung là những gì mang tánh cách hình thức trong việc làm phật sự, đều gọi chung là đạo tràng.
b.Đạo tràng theo ý nghĩa lý tánh.
Chúng ta thường nghe câu nói: “Trực tâm tức thị đạo tràng”. Trực tâm là tâm ngay thẳng. Thế nào là tâm ngay thẳng? Tâm ngay thẳng là tâm không có phân biệt hai bên: có không, phải trái, lành dữ v.v… Cùng ý nghĩa nầy, Ngài Nam Tuyền cũng có câu nói: “bình thường tâm thị đạo”. Cả hai câu nói, đều có ý nghĩa giống nhau và đều chỉ thẳng cái bản tâm thanh tịnh sáng suốt sẵn có của chính mình.
II. Dựa trên mô thức nào để xây dựng một đạo tràng lý tưởng?
Đọc tụng kinh, chúng ta thấy đức Phật Thích Ca đã giới thiệu phác họa một cõi Niết bàn của đức Phật thật vô cùng trang nghiêm và lý tưởng. Một cõi nơi mang nhiều yếu tố cực kỳ an lạc và giải thoát. Khác hơn cõi Ta Bà nầy rất xa.
Nếu đứng về mặt hình tướng mà xét, thì mọi thứ ở cõi Cực Lạc đều do năng lực của Phật biến hóa ra. Tất cả đều là cảnh đẹp, kết tụ hình thành bằng bảy thứ báu. Từ ao hồ, đất đá, sen nở, chim kêu, cho đến cây cối gió reo, thiên nhạc v.v…, mọi thứ đều hấp dẫn đẹp đẽ lạ thường. Đó là nói về y báo hay cảnh vật là như thế.
Còn về mặt chánh báo hay nhân dân trong cõi nước đó thì sao? Theo Kinh diễn tả, đều là các bậc thượng thiện nhân, tức là những người cao đức thật dễ thương quý kính. Hẳn nhiên, không có những hạng người chỉ biết sống giả dối bề ngoài.
Bề ngoài thơn thớt nói cười
Mà trong nham hiểm giết người không dao.
Cõi đó chắc chắn là không bao giờ có những hạng người như thế. Nói gọn cho dễ hiểu hơn, là không có những con người hung ác, thô bạo, cuồng tín, khủng bố tàn sát nhơn loại lẫn nhau. Cõi đó thuần vui không bao giờ có khổ.
Khi mọi người gặp nhau thì sao? Họ chào hỏi nhau và nói năng rất lịch sự, khiêm cung hòa nhã. Không phải hạng người cống cao ngã mạn hách dịch khinh người dưới mắt. Tất cả đều dùng lời ái ngữ, ngọt dịu dễ thương khi giao tiếp. Họ sinh hoạt nhịp nhàng với nhau. Họ không nạnh hẹ, né tránh việc làm và không dòm ngó, bắt bẻ, phê bình, nói xấu, chỉ trích vạch bày lỗi lầm của bất cứ ai. Họ nói trong tinh thần xây dựng hòa hợp. Họ không bao giờ có thái độ liếc mắt nhìn ngang ngó dọc bậm trợn như người ở cõi nầy. Vả lại, không ai có lỗi đâu để mà dòm ngó.
Họ sống với nhau rất chân tình, thật thà. Họ không sống bằng đầu môi chót lưỡi. Họ nghĩ sao nói vậy. Họ xem nhau như tình huynh đệ ruột rà. Khi nghe pháp hay lúc trao đổi luận bàn, họ thốt ra toàn là những lời đạo đức chân thật. Họ không biết dùng lời điêu ngoa xảo trá. Họ cần giúp nhau mau thăng tiến trên đường giải thoát chóng thành Phật.
Họ đi đứng ăn mặc rất nghiêm trang. Tất cả đều mặc đồng phục. Thân hình họ đẹp đẽ, mỗi người đều có 32 tướng tốt, cao lớn ngang bằng nhau, vì tất cả đều do hoa sen sanh ra. Thân họ là thân kim cương bất hoại, nên không có đẹp xấu khác nhau. Do đó, họ không có tâm ganh tỵ đố kỵ nhau. Tất cả đều yêu thương quý kính nhau như người một nhà. Bên cạnh đó, họ còn luôn được tưới tẩm giáo pháp đều đều. Các vị giáo thọ hướng dẫn, đều là những bậc tài đức vẹn toàn, thông suốt giáo lý, có những vị Giáo Thọ xuất sắc trợ tuyên phụ giảng thị giả Phật. Họ nghe pháp mỗi ngày. Mỗi người nỗ lực học hỏi không ngừng.
Họ còn có nhân duyên thù thắng là thường mang hoa cúng dường thập phương chư Phật. Sáng sớm nào họ cũng mang túi đi hái hoa. Tất cả đi bằng thần thông. Xong rồi, họ trở về dùng cơm và sau đó đi kinh hành. Cõi Cực Lạc không có nấu nướng như cõi nầy. Thức ăn tùy ý tưởng, muốn ăn thứ gì thì có thứ nấy. Ăn xong, không cần phải dọn rửa, dĩa bát tự động biến mất. Họ sống trong tinh thần thương yêu hòa kính.
Khi nghe gió thổi, chim kêu, suối reo, nước chảy, họ đều nhớ đến Phật, Pháp Tăng. Bao giờ họ cũng nhớ đến Tam Bảo. Nhờ thế, mà lòng họ luôn luôn tươi mát, nhẹ nhàng, an thoát. Họ không bao giờ biết khởi niệm buồn giận ai. Họ luôn sống trong ánh hào quang của Phật và Bồ tát. Mọi động tác thi vi họ đều sống trong chánh niệm. Lúc nào họ cũng vui vẻ luôn nở nụ cười hoan hỷ trên môi.
Còn và còn rất nhiều yếu tố cao đẹp khác nữa. Đại khái, chúng tôi chỉ y cứ vào kinh, xin nêu ra bấy nhiêu đó thôi. Thiết nghĩ, bấy nhiêu đó cũng đủ để chứng minh cho chúng ta thấy, đó là một cõi nước hay nói hẹp hơn là một đạo tràng thật vô cùng lý tưởng cao đẹp, thuần lạc mà chúng ta cần phải hướng đến và noi theo. Chúng ta quyết lòng hiệp sức tương trợ xây dựng cho kỳ được một đạo tràng theo mô thức đó ở tại đạo tràng Trần Nhân Tông nầy. Nhưng trước hết, chúng ta phải xây dựng bằng những yếu tố nào?
III. Những yếu tố xây dựng đạo tràng hiện tại.
1. Khung cảnh tươi mát thanh nhã.
Ngoại cảnh đôi khi cũng làm cho chúng ta cảm thấy tươi mát dễ chịu. Cảnh u tịch thanh vắng cũng dễ làm cho lòng người lắng dịu. Rừng cây, khóm trúc, gió thổi, nước chảy, mây bay, trăng đẹp, hoa nở, chim kêu… đều là những cảnh vật thiên nhiên, chúng có tác dụng làm cho tâm thức ta dễ yên tĩnh, lắng dịu, an thoát, nhẹ nhàng hơn. Cuộc sống hối hả, vất vả, náo động ồn ào như cái máy, làm cho chúng ta đâm ra rối loạn điên đầu. Chúng ta quay cuồn theo cuộc sống vật chất, lòng chúng ta càng thêm rối bời như tơ vò. Đầu óc chúng ta luôn mãi suy nghĩ không bao giờ dừng. Máy cassette còn có cái nút bấm ngừng, còn đầu óc của chúng ta thì không bao giờ tìm ra được cái nút bấm ngừng. Nhiều người do suy nghĩ nhiều quá, rồi đâm ra bị rối loạn căng thẳng thần kinh, nên họ dễ bị mắc phải chứng bệnh tâm thần. Bởi vậy, đôi khi chúng ta cũng cần đến cảnh trí thiên nhiên, để di dưỡng tinh thần.
Lấy gió mát trăng thanh kết nghĩa
Mượn hoa đàm đuốc tuệ làm duyên
Thoát trần, một gót thiên nhiên
Cái thân ngoại vật là tiên trong đời.
(Cung Oán Ngâm Khúc – Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều )
Đó là cả một kinh nghiệm sống của một con người khi đã quá mỏi gối chồn chân trong cuộc sống bon chen vật lộn tranh giành với đời. Họ cần có những phút giây yên tĩnh thoải mái. Mà chỉ có khung cảnh thiên nhiên mới đem lại nguồn vui sống cho chính họ. Vì thế, chúng ta cần phải thường xuyên tiếp cận với cảnh trí thiên nhiên. Rất tiếc, hiện tại đạo tràng của chúng ta không có được một cảnh trí thiên nhiên như ý muốn. Vì nơi đây, chỉ mới xây dựng bước đầu, nên cảnh trí cây cối vẫn chưa được phát triển. Hy vọng vài mươi năm sau, nơi đây sẽ trở thành một thắng cảnh mà do chính chúng ta tạo ra. Dù sao, nơi đây cũng là cảnh chùa, dĩ nhiên, không sao tránh khỏi sự ồn ào phức tạp. Vì là một cơ sở tín ngưỡng, một trung tâm sinh hoạt tôn giáo, nên khó có được một cảnh trí thanh tịnh như Đại tòng lâm.
2. Tình thương chân thật.
Chúng ta là những người Phật tử cần phải tôn trọng sự thật. Hơn nữa, chúng ta lại là những bạn sen cùng tu một pháp môn Theravada. Lòng từ bi của Phật thương yêu tất cả muôn loài. Chúng ta cần nên tập tu theo hạnh từ bi của Phật. Chúng ta hãy thật sự thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Chúng ta là người một nhà, hãy xem nhau như tình huynh đệ. Vẫn biết, tật tánh ganh tỵ đố kỵ của chúng sanh là một tập khí khó trừ khó đoạn. Nhứt là đối với phái nữ. Nhưng chúng ta phải ý thức rằng, chúng ta niệm Phật là để mỗi ngày trở nên giống Phật. Mà Phật thì không bao giờ biết ganh ghét một ai. Phật không có phân biệt kẻ thân, người thù. Phật coi mọi người đều bình đẳng như nhau. Biệt nghiệp của mỗi người sai khác nhau, làm sao chúng ta muốn ai cũng như nấy cho được. Nếu chúng ta niệm Phật mà lòng còn ganh ghét người nầy hoặc thù hằn, giận tức người kia, thì thật sự chúng ta chưa phải là người biết niệm Phật. Đó chỉ là miệng niệm suông ở đầu môi chót lưỡi mà thôi! Như thế, thì làm sao tương ưng với pháp môn mà chúng ta đang tu, thật hành.
Đức Phật khuyên mỗi người chúng ta cần phải bỏ tật tánh xấu ác nầy. Chúng ta hãy thật sự thương yêu, trân kính nhau. Chúng ta nên nhớ hai câu thơ nầy trong truyện Kiều mà cụ Nguyễn Du đã nhắn gởi, thức nhắc chúng ta:
Bây giờ rõ mặt đôi ta
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao.
Chúng ta không phải chỉ biết nói thương yêu nhau trên đầu môi chót lưỡi, mà chúng ta cần phải biểu lộ ra bằng hành động phát xuất từ tấm lòng chân thật của chúng ta. Phát xuất bằng cách nào? Bằng cách giúp đỡ, thăm viếng lẫn nhau khi đau yếu bệnh hoạn. Hay những lúc bạn sen ta gặp khó khăn vì một hoàn cảnh nào đó bất như ý. Nhứt là trong giờ phút hấp hối sắp từ giả vĩnh viễn cõi đời. Chúng ta khuyên bảo nhắc nhở cho bạn sen chúng ta nhớ niệm Phật trong giờ phút sắp ra đi nầy, thì đó mới thật là tình thương đầy ý nghĩa. Hãy thể hiện tinh thần: “chị ngã em nâng hay ngược lại cũng thế”. Chỉ có tấm lòng chân thật đó mới tồn tại trong lòng của mỗi người. Dù mai nầy thân xác của chúng ta có tiêu tan ra thành tro bụi, nhưng tinh thần nghĩa cử yêu thương đó vẫn tồn tại mãi theo dòng thời gian và trong lòng người muôn thuở.
Còn sống mạnh khỏe thì nói năng, hoạt động, giận hờn, trách móc người nầy người kia đủ thứ, đến khi bệnh sắp chết nằm đó, thì thử hỏi có còn hơn thua, phải trái, trách móc, ganh tỵ ai nữa không?
Chúng ta hãy tập tánh hỷ xả của Đức Phật. Buông bỏ tất cả để ngày ra đi của chúng ta được nhẹ gánh. Hãy nghĩ đến cái chết cận kề, xảy ra cho ta bất cứ lúc nào, thì tội gì chúng ta phải chuốc lấy khổ đau nặng nề cho ta. Nghĩ thế, thì chúng ta mới có tình thương chân thật với mọi người. Đó là một yếu tố quan trọng để tự tu thân và cũng để xây dựng cho đạo tràng.
Được thế, thì tình bạn sen của chúng ta thật là tốt đẹp biết mấy. Điều nầy, ta cương quyết làm được. Chỉ cần ta mở rộng tấm lòng bao dung, tha thứ, hỷ xả với mọi người, thì mọi việc đều an vui tốt đẹp. Thời gian qua, đạo tràng chúng ta đã có thể hiện ít nhiều về vấn đề nầy. Đây là một điều thật đáng vui mừng. Tuy nhiên, chúng ta không nên tự mãn mà cần phải thể hiện phát huy tình thương giúp đỡ cho nhau nhiều hơn nữa. Đó là điều mà đạo tràng chúng ta đã và đang chủ trương thực hiện.
3. Lắng nghe, hiểu và cảm thông.
Lắng nghe là một phương pháp mà mỗi bạn Sen cần phải thực tập. Vạn sự khởi đầu nan. Cứ thực tập một cách nghiêm chỉnh đi, rồi chúng ta sẽ cảm nhận sự mầu nhiệm của nó. Khi thực tập tu chỉnh bản thân ngày một thuần thục rồi, từ đó chúng ta sẽ lắng nghe, hiểu bất cứ sự vật, con người xung quanh ta với tấm lòng Từ-Bi-Hỷ_Xả.
Khi lắng nghe người đối diện bày tỏ nỗi lòng của họ, ta mới có hiểu rõ và dễ cảm thông. Không có gì vui nhẹ bằng, khi có người biết lắng nghe ta nói. Thái độ lắng nghe rất quan trọng mà đạo tràng chúng ta cần phải thực tập. Tuy đây là một vấn đề mới nghe qua, ta cho là tầm thường, nhưng khi thực sự thật hành ta mới cảm thấy khó khăn. Vì ở đời ai cũng thích nói, hơn là thích lắng nghe.
Lắng nghe là một nghệ thuật dễ chinh phục tình cảm. “Bạn hãy chịu khó lắng nghe, thì bạn sẽ thấy sự dễ thương và có duyên của nó”. Đó là lời khuyên của một nhà tâm lý học.
Trong đạo tràng, chúng ta cần chia sẻ những khó khăn, những khúc mắc mà các bạn sen của chúng ta không may gặp phải. Hiểu, thương và thông cảm, đó là nhịp cầu tối thiết yếu mà mỗi người chúng ta nên thực hiện. Có thế, thì tình bạn sen của chúng ta mỗi ngày càng thêm thắt chặt nhau hơn. Ba yếu tố nầy không thể thiếu, khi chúng ta sống chung sinh hoạt trong đạo tràng.
4. Dùng lời ái ngữ khi giao tiếp.
Như ở trên, chúng tôi đã nêu ra về cách sống khi giao tiếp với nhau của người dân ở cõi Cực Lạc. Họ giao tiếp với nhau bằng tất cả tấm lòng chân thật. Họ không biết dùng sáo ngữ trên đầu môi. Lúc nào, họ cũng thốt ra toàn là những lời ngọt dịu dễ nghe. Vì thương kính nhau, nên họ mới có những lời nói êm tai không vụ lợi. Họ không tỏ ra theo kiểu giao tiếp mua lòng bề ngoài. Nói một đường làm một ngã. Tuyệt đối, họ không bao giờ nói thêm bớt, gian dối, lường gạt, ly gián với bất cứ ai. Lời họ nói ra như đinh đóng cột. Không có trao chuốt, theo kiểu ngọt mật chết ruồi. Họ xử sự rất thành thật với nhau. Do đó mà họ không bao giờ có đôi chối. Đó là nếp sống cao đẹp của nhân dân ở thế giới Cực Lạc.
Đạo tràng chúng ta đã và đang hướng đời mình về thế giới Cực Lạc. Thế thì, chúng ta cũng nên bắt chước cách nói năng hòa nhã, dịu ngọt, đầy lòng từ ái thương mến quý kính nhau. Khi cần tiếp xúc nói chuyện với nhau, mỗi người nên dùng lời ái ngữ. Vâng! Chỉ có lời nói ái ngữ mới đem lại nguồn vui hạnh phúc cho nhau. Chúng ta sinh hoạt trong một môi trường đạo đức, trong nếp sống hướng thượng thanh cao, mỗi người nên cẩn thận lời nói. Vì:
Lời nói không mất tiền mua,
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Hay:
Chim khôn kêu tiếng rảnh rang
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe.
Dĩ nhiên, chúng ta phải hơn loài chim rất nhiều. Chúng ta phải khôn hơn chúng nhiều. Đã thế, thì lời nói của chúng ta phải là lời nói có giá trị. Con người hơn loài vật là ở chỗ có trí khôn hướng thượng cao đẹp. Mà lời nói là dấu hiệu biểu hiện cho trình độ của trí khôn đó.
5. Chào nhau trong niềm trân kính.
Người ở cõi Cực Lạc, mỗi khi gặp nhau, họ chào nhau rất là tôn kính. Khác hơn cõi nầy có nhiều cách biểu lộ chào nhau. Đấy là tùy theo phong tục tập quán của mỗi quốc gia, mỗi tôn giáo mà sự chào nhau có sai khác. Người theo đạo Phật, tu theo pháp môn Theravada, ngoài cách chắp tay, họ còn niệm câu Nammo Tassa Sadhu Sadhu Sadhu. Đó là lối chào vừa thể hiện nét đẹp lịch sự của con người, nó còn có ý nghĩa là thức nhắc lẫn nhau trong ý nguyện nhớ Phật. Họ chào với tất cả tấm lòng thành thật quý kính. Chớ không phải chào theo lối xã giao thường tình. Đó là lối chào của người đời. Chúng ta phải học hỏi bắt chước theo lối chào nhau của người ở cõi thanh cao. Họ chào nhau bằng tất cả sự quý kính, thương yêu trong lòng. Chắp hai bàn tay lại, theo hình hoa sen búp, đó là nói lên ý nghĩa cao đẹp phát xuất từ tấm lòng thương kính.
Đạo tràng chúng ta mỗi người nên thực tập cho kỳ được lối chào nầy. Chúng ta không nên có niệm xem thường với nhau. Đừng nghĩ rằng gặp nhau quen quá khỏi cần phải chào. Chào nhau là một hình thức biểu lộ nét đẹp của người tu. Chớ không phải chào nhau để lấy lệ coi thường. Về chốn thanh tao, khi gặp bạn sen với nhau, ta cũng đều phải trân kính chào nhau. Không phải về đó, rồi gặp nhau lấy con mắt ngó nhau.
6. Giữ nụ cười theo bước chân đi.
Cười là một thái độ của miệng biểu lộ một niềm vui. Khi ta mỉm cười là lòng ta phải thực sự tươi mát. Cười không những mang lại hạnh phúc cho chính ta, mà nó còn ảnh hưởng đến những người chung quanh. Nhưng nụ cười đó phải được toát ra từ chánh niệm. Cười có mặt trời ý thức soi sáng. Nụ cười như thế mới thực sự có giá trị.
Người ta thường nói: “ Nụ cười là liều thuốc bổ”. Cười đem lại sức sống tự tin cho ta hơn. Tại sao người ở cõi niết bàn, khi họ gặp nhau đều tươi cười? Phải chăng họ cười xã giao hay cười lấy lệ? Họ cười thật đó! Nụ cười của họ toát ra từ cõi lòng thanh tịnh an vui. Nếu người ở cõi Niết bàn có nụ cười đó, thì tại sao ở đây mình lại thiếu vắng nụ cười đó? Chúng ta có thể thực tập được nụ cười tươi mát đó mà! Chúng ta không nên có tự ty mặc cảm. Rằng, chúng ta ở cõi Ta Bà luôn luôn đau khổ. Không. Chúng ta cần phải chuyển đau khổ thành nụ cười tươi vui an lạc. Đó là quyền chuyển đổi của chúng ta.
Chúng ta muốn trở thành người ở cõi Niết bàn trong tương lai, thế thì tại sao chúng ta không xây dựng tạo cho ta có một nụ cười an lạc trong hiện tại? Chúng ta nên nhớ, tương lai có ra, đều phải được xây dựng tạo thành bằng chất liệu hiện tại. Không xây dựng bằng chất liệu hiện tại, thì tương lai thật khó bảo đảm thành tựu.
Mong sao, trong đạo tràng của chúng ta ai nấy đều có những nụ cười an lạc, thật thoải mái vui tươi như hoa. Trên môi luôn nở nụ cười chánh niệm. Đó là một hạnh phúc tuyệt vời mà bạc tiền không thể mua được.
7. San sẻ công việc.
Người ở cõi Cực Lạc, có thể họ không có những công tác như: nấu ăn, rửa chén, quét nhà, nhổ cỏ, lặt rau, hành đường, lau dọn… như chúng ta ở đây. Nhưng có điều chắc chắn là họ phải có sự sinh hoạt tập thể. Như đi hái hoa cúng dường chư Phật, rồi cũng đi kinh hành niệm Phật, nghe kinh, thuyết giảng v.v… Đó là những sinh hoạt thường nhựt của họ. Trong Kinh diễn tả đời sống hằng ngày của họ là như thế. Tuy việc làm có nhẹ nhàng đến đâu, thì mỗi người cũng phải có trách nhiệm. Ai cũng ý thức được bổn phận trách nhiệm của mình.
Công việc của đạo tràng chúng ta, tuy có bận rộn hơn ở cõi Cực Lạc, nhưng chúng ta vẫn có tổ chức nề nếp, trật tự, mỗi người đều có phận sự san sẻ chia nhau mà làm. Nếu mỗi người làm trong niềm hoan hỷ an lạc, thì có thua gì cõi Cực Lạc đâu! Dĩ nhiên, những bạn sen có nhiệm vụ đã được đạo tràng tin tưởng giao phó công việc, thì có phần chịu thiệt thòi về việc tu học hơn những vị không có trách nhiệm. Vì chúng ta còn ăn, còn mặc, còn có những nhu cầu thiết yếu cho đời sống của cõi nầy, nên chúng ta phải có bổn phận chia nhau gánh vác công việc. Nhưng có điều, khi chúng ta được phục vụ cho đại chúng, thì chắc chắn, chúng ta có được một niềm vui, dù ít hay nhiều chúng ta đều có. Niềm vui đó chính do mọi người đem lại cho ta. Nếu không có mọi người, thì làm gì ta có được niềm vui đó. Như vậy, ta phải mang ơn mọi người đã cho ta niềm vui.
Nghĩ thế, thì ta làm trong một tinh thần hỷ xả, thương yêu, vui vẻ. Người ở cõi Cực Lạc không có cơ hội được phục vụ cho mọi người như chúng ta ở đây. Đó là niềm tự hào của chúng ta. Tuy nhiên, khi làm công việc mang tính phục vụ cho đại chúng, ta phải ý thức rằng, nói cho mọi người, nhưng thật ra tất cả cũng chỉ vì ta mà thôi. Vì ta muốn có phước nhiều để mai sau ta hưởng. Nếu làm không có phước bù đắp lại, thì chắc chắn chúng ta cũng không thể nào làm. Không ai làm một việc không công bao giờ. Biết thế, thì khi làm ta nên cởi mở, vui vẻ và san sẻ công việc với nhau.
IV. Bất thối chuyển.
Người sanh về thế giới Cực Lạc được cái nhân duyên thù thắng là bất thối chuyển. Nghĩa là chỉ có một bề tu hành tiến tới không bao giờ lùi bước. Họ tu học không lui sụt cho đến ngày viên thành Phật quả mới thôi. Đó là một nét rất đặc thù tuyệt diệu mà cõi nầy không có. Người tu ở cõi Ta Bà hay có chứng bệnh khi trồi khi sụt. Lúc thì tinh tấn rất mực, khi thì biếng trễ bê tha. Có ngày thì niệm Phật thật nhiều; có ngày thì vì bận công kia việc nọ nên quên niệm Phật. Có người còn viện cớ bận rộn, ngày nay niệm không đủ số, ngày mai niệm bù.
Lại thêm mắc phải cái chứng bệnh nghe đâu chúc đó. Lòng tin Phật pháp không vững, nay đến chỗ nầy mai chạy chỗ kia. Họ là người thuộc dạng ba phải, thiếu lập trường. Nay tu theo pháp môn nầy, mai chạy theo pháp môn khác. Nay đến chùa nầy mai chạy đến chùa kia. Nơi nào có tình cảm, khéo chìu chuộng, tiếp đón họ một cách nhiệt tình thì họ đến. Nơi nào lơ là không ngó ngàng đến họ, thì họ bái bai.
Cứ thế mà chạy lòng vòng. Người ta gọi họ là đạo vòng vòng. Cuối cùng, họ không đạt được kết quả gì cả. Họ là người thật đáng thương xót! Người ở cõi Cực Lạc họ được thường xuyên nghe Phật và các vị Bồ tát thuyết giảng chánh pháp, nên việc tu học của họ tiến bộ rất nhanh. Đồng thời, được thêm cái nhân duyên thù thắng hơn nữa, là tất cả đều là bạn lành. Ai cũng là thiện nhân cao đức dễ thương.
Mọi người đều thức nhắc trao đổi học hỏi Phật pháp với nhau. Không bao giờ nghe tiếng thị phi. Đó là một thắng duyên làm cho họ tiến đến đạo quả rất nhanh. Ngược lại, ở cõi nầy, nghe tiếng đạo đức thì ít, mà nghe tiếng thị phi thì nhiều. Từ đó, mà họ sanh tâm nhân ngã bỉ thử, khởi tham sân si chấp trước đủ thứ. Người khuyến nhắc tu hành thì ít, người nói chuyện đời hơn thua phải trái thì nhiều. Người sách tấn tu học theo chánh pháp thì ít, người nói bàn ra, khuyến khích theo con đường tà ngoại, trụy lạc bê tha thì nhiều.
Chẳng những thế, họ còn chế giễu những ai đi chùa, tụng kinh bái sám. Quả cõi nầy là một chướng duyên, thật khó tiến đạo nghiêm thân. Có người khi mới bước chân vào đạo, gặp phải một vài nghịch cảnh, chướng duyên thử thách nào đó, như có ai nói xấu chê bai, gây cho họ bực tức, thì họ thối tâm chùn bước ngay. Từ đó, họ không bao giờ bước chân đến chùa. Thế là họ bị thối thất bồ đề tâm.
Có người gặp cảnh khổ đau, như trong thân nhân có người chết, rồi bạn bè khuyên lơn an ủi tu niệm, lúc đầu thì họ phát tâm tinh tấn, nhưng dần dà về sau mãi mê với công việc làm ăn rồi bỏ ngang sự tu hành. Cho nên, muốn giúp nhau không lui sụt như người ở cõi Cực Lạc, chỉ có đạo tràng mới thức nhắc khuyến tấn nhau tu hành đạo Phật.
Tóm lại, tuy chúng ta mang nghiệp duyên sinh sống cõi Ta Bà, nhưng nếu chúng ta khéo biết tu, chuyển nghiệp nhân ác thành nghiệp nhân thiện, thì chúng ta cũng có thể chuyển Ta Bà thành Niết bàn. Chúng ta thật có nhân duyên với pháp môn Theravada. Nếu đời trước chúng ta chưa từng gây chủng nhân Tịnh nghiệp, thì làm gì đời nay chúng ta biết tu theo pháp môn Theravada. Hơn thế nữa, chúng ta lại cùng nhau sinh hoạt trong một đạo tràng. Tuy hiện tại chúng ta thiếu nhân duyên thù thắng đối với người ở cõi Cực Lạc rất nhiều, nhưng nếu chúng ta cương quyết tinh tấn bền chí tu học, thì chắc chắn hiện tại và tương lai, chúng ta cũng gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp.
Chúng ta cũng có phước duyên thường xuyên đến chùa tu học. Ngoài những ngày tuần rằm định kỳ ra, chúng ta còn dự những buổi thời pháp khi có đủ nhân duyên mỗi thàng vài ba lần. Những thời gian nầy là cơ hội ngàn vàng để mỗi người chúng ta tinh tần hơn trong việc học hỏi giáo pháp Đức Phật. Chúng ta luôn có thầy bạn thức nhắc. Nếu không có đạo tràng, thì việc tu hành của chúng ta khó được tiến bộ. Cho nên, năng lượng tăng thân soi sáng cho nhau rất là quan trọng. Nhờ thường xuyên nghe pháp, mà pháp thân huệ mạng của chúng ta ngày càng tăng trưởng.
Đồng thời, đó cũng là nguồn năng lực thúc đẩy chúng ta tinh tấn thêm lên. Nhờ vậy, mà sự tu hành của chúng ta mỗi ngày có thêm tiến bộ. Và cũng nhờ đó mà đường về Cực Lạc của chúng ta ngày càng thâu ngắn lại. Đó là một hướng tiến mà đạo tràng của chúng ta đã và đang thực hiện.
Mong sao, mỗi liên hữu chúng ta sẽ là mỗi đóa sen đang nở mỗi ngày mỗi thêm lớn. Không những nở tại đây thôi mà nó còn đang nở to bên cõi Cực Lạc. Chính những đóa sen đó đang chờ đón chúng ta. Khi chúng ta nhắm mắt, sẽ được đức Phật và chư thiên thiện thần phóng quang tiếp dẫn chúng ta về miền cực lạc. Đó là một sự thật, không phải là chuyện mơ hồ!
Chúng ta cùng nhau quyết tâm xây dựng một đạo tràng lý tưởng cụ thể ở tại nơi đây. Đó là ý nguyện chung của chúng ta. Bằng vào sự gia hộ của Tam Bảo và gần nhứt là sự hướng dẫn chỉ giáo của Sư Minh Từ cũng như sự quyết tâm xây dựng của mỗi liên hữu, thì chắc chắn đạo tràng của chúng ta quyết định phải đạt được kết quả tốt đẹp cao. Kính mong, mỗi liên hữu nên ý thức đến sự sanh tử khổ đau, mãi trôi lăn trong vòng lục đạo luân hồi, mà mỗi người nên hạ quyết tâm tài bồi công đức, niệm Phật tu hành nhiều hơn nữa, để sớm đạt thành sở nguyện.
Kính chúc quý liên hữu thân tâm thường lạc, tịnh nghiệp tinh chuyên, bồ đề quả mãn, Phật quả chóng viên thành.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật