CHÙA NGUYÊN NGỘ
chuanguyenngo.com

Chào mừng Quý Phật tử đến với Ban Bảo trợ 
www.chuanguyenngo.com

Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
Chung tay cứu độ thế gian
Vạn sự an bình phúc để ngàn sau 
Hãy mang hạnh phúc cho nhau
Còn hơn cay đắng khổ đau cuộc đời
Người ơi hãy giữ lấy lời
Nhân nào quả ấy khắc lời thiên thu



Sống An Lạc Giải Thoát - TT. Thích Nhuận Quang

Trước hết chúng ta cần hiểu thế nào là An lạc – Giải thoát? An lạc – Giải thoát là cảnh giới mà đức Phật trình bày cho ta thấy đây là một cảnh giới hoàn toàn trái ngược với cảnh giới tối tăm, sầu khổ, đớn đau mà ta đang sống.




Cảnh giới ấy là một cảnh giới huy hoàng, mà chỉ những người đã diệt dục, hết mê mới đạt được. An lạc đi đôi với giải thoát, có An lạc tức có Giải thoát, mà có được điều này là do chuyển hóa được những tham đắm sân hận trói buộc. trong kinh có câu: "Ái bất nhiễm bất sanh Ta-bà, niệm bất nhất bất sanh Tịnh-độ". (Ái không nhiễm không sanh lại cõi Ta-bà, niệm không nhất tâm thì không sanh về cảnh Tịnh độ).

Trong Tập Văn Phật Đản PL. 2535  có bài viết của Hòa thượng Thích Thiện Siêu nói về "Giải thoát trong Phật giáo" như sau: Giải thoát là một thắng đức của Phật: Pháp thân – Bát nhã – Giải thoát. Vậy nên giải thoát hoàn toàn và tuyệt đối là sự chung kết của Phật đà, cũng là chỗ xu hướng chung của mọi loài chúng sanh. Hoàn cảnh bên ngoài vẫn gây nên đau khổ, cho nên tất cả chúng sanh đều cần đến sự giải thoát cho mình trong đời sống hiện tại.

Đời sống chúng ta có vẻ bao la nhưng rút lại chỉ là một niệm mà thôi. Ta chính là niệm, là ‎ ý  nghĩ chợt đến, nghĩ đến một cái gì đó. Chỉ có một niệm tiếp nối đó là ta. Niệm sân nổi lên thì ta lao theo kích động của nó mà trầm luân là chìm trong biển sân đó. Sống hằng ngày 24 giờ ta có rất nhiều những niềm vui, buồn, hận, thì ta trầm luân trong đủ thứ đó. Giải thoát ra khỏi luân lạc, luân trầm, chính là có sự tỉnh giác , có chánh niệm trong sáng của Chánh pháp soi rọi trên tâm thức. giải thoát là giải thoát ngay đây, trước mắt, vô nhiễm, vô chấp, tịch tịnh là có giải thoát. Khó làm nhưng không phải là bất lực vì chúng ta có đủ khả năng giác ngộ như Phật, giác ngộ từng phần tại sao không làm được, tại vì ta thường mơ hồ đường lối tu, không biết tu là làm gì.

Phật dạy hàng phục kỳ tâm, làm chủ mọi mống động, mọi tác ‎‎ý dòng tâm thức mình. Con đường trở về với tự tâm qua tỉnh giác chánh niệm là con đường, phương pháp mầu nhiệm mà đức Phật dạy cho ngài A-nan đồng thời cũng là dạy cho muôn ngàn đệ tử ở hàng trăm thế kỷ về sau, đó là tự thắp đèn lên mà đi, thắp đèn tỉnh giác chánh niệm, mà trong quyển Tìm Hiểu Đạo Phật trang 176, Thượng Tọa Thích Chơn Thiện viết: "Con đường nhiếp tâm là con đường độc nhất chuyển đổi công việc hằng ngày thành cái gì có giá trị".

Chỉ có vậy, ta ra khỏi luân hồi là ra ngay đây, ngay bây giờ trong từng chập ‎ ý tưởng. Đạo Phật nhận định rằng cuộc đời chứa chất những khổ đau do con người gây nên. Vậy mục đích của cuộc sống, trước hết là diệt trừ những khổ đau ấy đã. Một khi đau khổ đã được diệt trừ ánh sáng của An lạc và Giải thoát sẽ trở về. Lúc bấy giờ con người mới thực hiện được hạnh phúc chơn chánh. Ấy là con đường sống An lạc – Giải thoát ngay giữa cuộc đời.

Thích Nhuận Quang