CHÙA NGUYÊN NGỘ
chuanguyenngo.com

Chào mừng Quý Phật tử đến với Ban Bảo trợ 
www.chuanguyenngo.com

Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
Chung tay cứu độ thế gian
Vạn sự an bình phúc để ngàn sau 
Hãy mang hạnh phúc cho nhau
Còn hơn cay đắng khổ đau cuộc đời
Người ơi hãy giữ lấy lời
Nhân nào quả ấy khắc lời thiên thu



NHÂN DUYÊN TRÊN ĐƯỜNG TU

Hôm nay tôi muốn nói tới một số nhân duyên trong phạm vi tu hành của người Phật tử, tức những nhân duyên trên đường tu. Trong việc tu hành, có nhiều huynh đệ nói rằng có khi không vượt nổi hay không khắc phục những nhân duyên. Bởi không vượt được, không khắc phục được cho nên thoái tâm, thậm chí có trường hợp cách xa đạo.

Vừa rồi một số Phật tử đến thăm tôi, họ đã chia sẻ và nói về nhân duyên của mình. Có vị nói rằng không biết tại sao mà nhân duyên của con kỳ cục quá. Tôi hỏi kỳ cục là sao. Vị đó kể, từ khi con gặp được Phật pháp và qua một thời gian thử thách, con bước vào đạo, phát tâm quy y Tam Bảo, dốc lòng tu hành theo những lời dạy của Hòa thượng, của quý thầy, giữ gìn nghiêm túc những điều giới của người Phật tử và có thể giữ được thời khóa tu học của riêng mình rất tốt. Sau khi quy y Tam Bảo được một thời gian khoảng chừng ba năm, tuy đã cố gắng hết sức nhưng cũng chỉ tu tập được khoảng chừng sáu mươi phần trăm, không lên hơn nổi.

Lúc đầu con chuẩn bị cho thời khóa tu tập đầu đêm rất đầy đủ. Sắp đặt mọi việc ổn định, khoảng 7 giờ là bắt đầu tụng kinh sám hối. Vì con biết nghiệp chướng của con sâu dày, do vậy cho nên trước khi ngồi thiền, hay trước khi nghe băng giảng, con thường có khóa lễ sám hối. Sau thời sám hối, con chuẩn bị tọa thiền. Con coi đây là giờ tu tập quan trọng nhất trong một ngày. Áp dụng thời khóa này được vài tuần lễ, rồi không biết chướng duyên gì mà cứ tới giờ tu tập con lại gặp khó khăn, chuyện này chuyện nọ xảy ra. Nếu như con tham gia vô thì coi như không còn thời gian để tu tập nữa.

Trong cuộc sống có rất nhiều lần con mắc sai phạm, nên đã thành khẩn sám hối và gầy dựng trở lại. Nhớ tới lời dạy của Hòa thượng, khi vấp té phải tự đứng dậy, không đợi ai đỡ, gắng gổ tu tập, tu tập chừng nào thành Phật mới vừa lòng. Cho nên mỗi khi vấp ngã, mỗi khi thua là con cố gắng hết sức. Nhưng con cũng chỉ gầy dựng lại được trong một hai tuần lễ, rồi tiếp tục vướng vào sai phạm, không giữ nổi thời khóa tu tập. Con cho đây là một nghiệp chướng sâu dày, nhân duyên Phật pháp của con không lẽ ngang đây dừng lại. Tuy nhiên con không bỏ cuộc, nhất định không chịu thua và càng cố gắng hơn nữa. Được một thời gian rồi vì việc không đáng gì hết khiến con bỏ hẳn giờ giấc tu tập.

Đại khái là thế này. Mấy đứa cháu của con, chúng coi phim Tề Thiên hay quá nên đem về cho con coi. Nó chuẩn bị máy móc thật tốt trong phòng của con, hễ tới giờ con bắt đầu tu thì chúng bắt máy lên. Do đó cả thời khóa tu tập đầu đêm của con biến mất. Mấy đứa nhỏ không thương tiếc mà bản thân con cũng quên luôn. Con quên bẵng một thời gian cho đến khi phim hết, chợt nhớ lại từ bao lâu nay mình theo phim, lúc nào cũng nhớ chuyện trong phim. Nhớ Đường Tăng đi thỉnh kinh khó khổ như thế nào, nhớ mấy ông đệ tử, ông nào dữ dằn, ông nào hiền hậu. Hết phim này, nó lại mang phim khác tới. Tự nhiên con quen coi phim và xem như đây là công phu tu hành của mình.

Tôi vẫn ngồi mỉm cười lắng nghe. Mấy đứa nhỏ tiếp tục dụ cô hết phim này tới phim khác, nó bảo phim sau hay hơn phim trước. Nhưng qua phim thứ hai, cô theo dõi khoảng chừng một tuần, cảm thấy nhức đầu và không thể nào xem được nữa, phải đi bác sĩ. Đến bệnh viện, bác sĩ phát hiện cô mắc bệnh thiếu máu tuần hoàn não, khuyên về đêm nên ngủ sớm và phải uống thuốc cho tới ngày bỏ thân này. Từ đó cô tỉnh và gầy dựng lại công phu, không nghe lời mấy đứa nhỏ coi phim nữa, dành thời giờ lo tu. Nhưng theo lời khuyên của bác sĩ thì thời khóa tu tập đầu đêm cũng phải bỏ luôn, do đó đâu còn thời gian nào để tu. Cô hỏi tôi nhân duyên này là thế nào?

Tôi khuyên điều cốt yếu là bản thân cô phải cố gắng. Trước mắt bây giờ nên thuốc men trị bệnh. Hãy nhớ thân này là ổ bệnh, có bệnh là chuyện đương nhiên. Cô cứ uống thuốc, cố gắng điều hòa là được rồi. Việc tu hành là việc của mình không ai thay được, nếu không cố gắng, không chịu tu thì dù người khác có cảm thông, có thương chúng ta nhưng họ cũng chỉ rủ mình tham gia những trò vui vẻ để khuây khỏa, chứ không nhắc mình tu hành đắc lực. Cô nhận được ý này nên cố gắng điều hòa thuốc thang, bỏ hẳn việc coi phim, bắt đầu lại thời khóa tu tập vào cuối đêm. Cô sắp xếp thời khóa cẩn trọng sao cho không ảnh hưởng đến giấc ngủ của mọi người trong nhà. Thời gian công phu được năm, sáu tuần lễ thì gia tăng thêm giờ tọa thiền, giờ kinh hành nên thời sám hối bắt đầu muộn hơn một chút. Mấy đứa nhỏ trong nhà rất đồng tình và hoan nghinh, từ đó cô vui tu với thời khóa liên tục. Khi về đây thăm tôi, cô kể lại sự tình trong nhân duyên tu học của mình.

Tuy nhiên cô nói rằng trong giai đoạn thứ hai, cô lại gặp một nhân duyên nữa. Nhân duyên này là một nghịch cảnh. Cô có rất nhiều bạn, chơi với nhau từ nhỏ, lớn lên lại cùng làm ăn chung. Một hôm có người bạn đến yêu cầu cô hỗ trợ phương tiện để giải quyết công việc trong gia đình họ. Nghe bạn nói như vậy cô làm sao không giúp được. Cho nên cô dốc hết tất cả những gì mình có, cộng với phương tiện cô vận dụng trong gia đình, gởi hết cho bạn. Sau khi nhận phương tiện đó rồi, người bạn này thường vắng mặt và tránh né cô. Đồng thời người bạn thường tung ra những tin không tốt đẹp, ảnh hưởng đến đời sống trong sạch của một người đang dốc lòng vì Phật pháp, vì tâm nguyện tu hành. Cô sợ những đứa con nghe được tin này, nhất định sẽ không đồng ý, làm trở ngại cho việc tu học của cô. Cô hụt hẫng đến thưa với tôi xin lời chỉ dạy.

Tôi nói, nếu giải quyết về tiền bạc thì tôi không có kinh nghiệm, về việc làm ăn bên ngoài thì càng không biết, chỉ việc tu hành tôi có thể hỗ trợ giúp cô phần nào. Bây giờ cô phải ráng tu thôi. Nếu không ráng tu, cô sẽ bỏ mất thời khóa, có khi bị thoái tâm, dẫn đến chuyện bỏ đạo. Do không giữ được tâm lành, cô khởi lên những niệm không hay về Phật pháp thì có lỗi. Từ sự thua thiệt, không cố gắng tu tập, những suy thoái bởi nhân duyên trước mắt như vậy, rồi buông dần nên mình thua cuộc. Do không làm chủ được nên phát ra ngôn ngữ hoặc cử chỉ bất kính đối với Phật pháp thì mang tội lớn.

Cô đang có phiền não nên chắc chắn ngủ sẽ không yên. Tôi khuyên nên thức dậy công phu, mặc áo trang nghiêm lên dâng hương cúng dường đảnh lễ Phật, trải bồ đoàn tọa cụ ngồi thiền. Lúc đó trong đầu có khởi nghĩ việc mình mất tiền bạc, việc bạn bè thân thương nói xấu, bôi bác mình thế này thế khác thì bỏ hết, buông hết. Cố gắng giữ tâm thanh tịnh, vừa dấy lên niệm gì buông liền. Buông không được cũng phải buông. Chỉ có buông được mình mới thấy yên.

Đó là một trong những trường hợp về sự trở ngại trên đường tu của chúng ta. Nếu chúng ta biết cố gắng dốc lòng tu hành và quyết tiến thì có thể vượt qua và khắc phục được, có thể làm chủ những trở ngại, chướng duyên. Ở đây, chúng ta cố gắng làm sao để chuyển hóa được tất cả những nhân duyên, sự kiện chung quanh đời sống tu tập. Trong những nhân duyên đó có nhân duyên gần và nhân duyên xa.

Nhân duyên gần là sao? Như mình được bạn bè hướng dẫn đến đạo tràng, khi nghe vị Hòa thượng hay Thượng tọa ở đó giảng kinh Phật, nghe xong cảm nhận được liền, thấy có lối vào và có thể tu tập theo lời Phật dạy. Tôi cho đây là nhân duyên gần. Tuy nhiên giai đoạn hành trì ban đầu bao giờ cũng có những khó khăn, nhưng nếu nhất định quyết tâm thì sẽ làm được. Đó là nhân duyên gần.

Nhân duyên xa là sao? Như quý Phật tử đi nghe giảng ở Thường Chiếu vào những ngày cuối tháng. Sau một ngày tỉnh tu, quý Thầy phát cho Phật tử những quyển sách đạo lý của Hòa thượng hoặc của quý Thầy giảng giải. Khi nhận được quyển kinh hoặc quyển sách, ai nấy đều rất hoan hỉ nhưng không thể ngay sau đó đọc hết. Đem về nhà có khi một vài ngày bận việc chưa đọc, thậm chí một hai tuần lễ sau mới có nhân duyên lật từng trang ra đọc. Đọc hết một lần như vậy cũng chưa chắc hiểu được gì trong đó, chỉ nhớ lõm bõm lời Phật dạy, huống gì là biết đến việc hành trì.

Nếu là một quyển sách lớn khoảng chừng hai trăm trang, hơn hai trăm trang thì có khi mấy tháng trường mới đọc hết. Đọc hết rồi còn phải có thời gian chiêm nghiệm và cũng có thể đọc lại vài lần mới nắm được những chỗ thiết yếu để áp dụng tu tập. Nói tóm lại, một quyển sách dù là mỏng cũng phải mất một thời gian mới đọc hết. Muốn hành trì những điều Phật dạy trong quyển sách đó lại cũng phải có một thời gian nữa. Thời gian đó cộng thêm với ý chí, sự sắp đặt quyết tâm tu học để trải nghiệm vào những chỗ sâu, chỗ yếu chỉ của kinh sách. Từ đó mới có thể nói mình tu được, hành trì được những lời Phật dạy. Trường hợp này tôi gọi là nhân duyên xa.

Nhân duyên gần là vừa nghe giảng giải Phật pháp, hiểu và có thể làm được. Nhân duyên xa là học hiểu Phật pháp, nhưng phải có thời gian trải nghiệm thật lâu, thật vững mới có thể hành trì được. Ví dụ, Phật dạy phiền não không thiệt, muốn tu được an ổn chúng ta phải rửa sạch phiền não. Nhưng làm sao để rửa sạch phiền não, làm sao có thể buông bỏ phiền não? Đối với phiền não nói thì dễ nhưng sự thực không phải như vậy. Chúng ta phải đọc học cho thật kỹ, xem Phật nói như thế nào về phiền não và cách để trị? Đây là những phương pháp đòi hỏi chúng ta phải có sự quán chiếu, có công phu trải nghiệm thật chín chắn mới có thể trị được phiền não.


Phật dạy phải bỏ phiền não, mới nghe qua bỏ được không? Có khi ta tưởng mình bỏ được nhưng thực sự cất nó trong hộc tủ mới, khóa lại không cho ai biết. Như tôi nhìn thấy tất cả quý Phật tử và Phật tử cũng nhìn thấy tôi, nhưng đâu có ai thấy được phiền não của tôi, tôi cũng không thấy được phiền não của quý vị. Tuy nhiên nếu động tới là nó biểu hiện ra liền. Cho nên huynh đệ chúng ta phải thực hành đúng lời Phật dạy mới hết khổ được vui. Chúng ta ai cũng đang rất cố gắng tu, nhưng sạch phiền não, hết phiền não thì chưa, bởi vì mức độ tu trì còn kém. Có khi phiền não len vào trong cơ thể chúng ta giống như những tĩnh mạch, chỗ nào phì ra được thì nó phì ra, chỗ nào trừng trợn la hét thì nó trừng trợn la hét. Đó là những hiện tượng báo cho chúng ta biết rằng mình chưa làm chủ được. 
Trong cuộc sống tu hành, nếu nói làm chủ được bản thân thì chúng ta mới chỉ làm chủ được khoảng chừng bốn mươi phần trăm trở lại thôi, còn tới năm sáu mươi phần trăm thì chưa. Do mình chưa tu đúng lời Phật dạy, dù không khổ tâm, không buồn lo như những ngày trước, nhưng vẫn chưa hết phiền não. Như vậy bây giờ chúng ta phải làm sao? Ở đây tôi muốn nói rằng, dù cho duyên xa hay duyên gần, nếu chúng ta là người biết tu, ham tu, nhất định sự cố gắng của chúng ta sẽ chuyển hóa được tất cả những nhân duyên đó trở thành năng lực tu tập. Năng lực chỉ có khi chúng ta ráng thực hành cho được những lời Phật dạy. Vị nào thực hành còn quá ít thì phải ráng tăng công phu lên.


Tại Thiền viện, trong những kỳ nhập thất của đại chúng, Hòa thượng Ân sư cũng như tôi đều nhắc nhở chư huynh đệ phải cố gắng tu tập, cố gắng phấn đấu tăng thêm công phu. Tăng lên bằng cách nào? Khi sinh hoạt chung cùng đại chúng, mình ngồi thiền được một tiếng đồng hồ thì vào thất cố tăng lên một tiếng mười phút, một tiếng hai mươi phút, một tiếng rưỡi rồi đến hai tiếng đồng hồ. Huynh đệ làm được, mình cũng phải làm được. Trong hướng quyết định như vậy, nếu kiên quyết cố gắng thì một thời gian không lâu chúng ta sẽ làm được. Công phu đã tăng lên thì sự hành trì lời Phật dạy sẽ đạt từ bốn mươi đến bảy, tám mươi phần trăm. Như thế sẽ hết khổ được an vui.

Cho nên muốn hết khổ được an vui thì phải ráng tu, phải cương quyết chuyển hóa tất cả những nhân duyên chung quanh thành năng lực tu tập. Chuyển như thế nào? Người ta nói mình xấu, kiểm lại coi có xấu không, nếu không xấu thì người ta nói không đúng, đâu có việc gì phải phiền não. Nếu người ta nói đúng thì mình phải sửa, phải tu. Người nhắc cho mình tu tức là Phật, là Bồ-tát. Tu mà giận Phật, giận Bồ-tát thì tu theo ai đây? Không buông xả, cứ cất giữ phiền não chỉ làm tăng trưởng thêm vô minh. Cho nên muốn hết phiền não nhất định phải buông xuống.

Có một ví dụ nói lên sự tăng trưởng phiền não. Khoảng ba mươi mấy năm về trước, khi huynh đệ chúng tôi tham dự khóa học thiền đầu tiên tại Thiền viện Chân Không. Hòa thượng Ân sư hướng dẫn chúng tôi tu và sống theo thanh quy do Ngài soạn ra. Anh em cứ yên lòng sống như vậy, đạo tràng an ổn không ai vướng mắc vấn đề gì. Thỉnh thoảng quý Phật tử có dịp lên cúng dường, thăm Hòa thượng, thăm chư Tăng tại đây. Nhiều vị không biết, họ gọi tôi: “Ê, ông kia”. Lúc đầu tôi không biết gọi ai, tới chừng thấy họ ngoắc, tôi cũng cười vui vẻ dạ. Họ hỏi:

- Thầy tu ở đây hả?

- Dạ, tôi tu ở đây.

- Buồn không?

- Dạ, cũng không buồn gì. Lúc đầu buồn một chút, giờ quen nên hết buồn rồi.

Họ nói chuyện một cách gần gũi bình thường vậy đó. Trước khi ra về, họ rút tiền ra cho:

- Thầy nhận lấy mua bánh ăn.

Tôi vui vẻ nói:

- Trên núi bánh đâu đây mà mua, đem cúng dường Hòa thượng đi.

Sau lần tiếp xúc ấy, trong đầu tôi không có khái niệm gì, không hề nghĩ tại sao Phật tử lại gọi quý thầy như vậy. Tôi chỉ thấy tấm lòng của họ rất thương mình, thấy mình còn nhỏ nên ngoắc lại cho bánh cho tiền. Chuyện đó rất bình thường. Bây giờ gặp mình, ai cũng gọi Hòa thượng, cũng xá chào. Nếu có người nào ngoắc như xưa: “Ông ơi, lại đây”, thử xem lúc đó trong bụng mình có cái gì cộm cộm lên không? Nếu có tức là phiền não nó bò ra. Mình cất kỹ đâu không biết, bây giờ nó bò ra thành đối tác.

Hoặc một Phật tử nào đó vô trong đạo tràng, không biết đường đi. Thấy mình đi ngang, họ gọi:

- Ông ơi, muốn vô chùa đi ngả nào?

- Đi ngả này nè.

Ông thị giả đứng kế bên chỉnh liền:

- Hòa thượng Trụ trì đó, sao kêu kỳ vậy!

- Vậy hả? Mô Phật, con không biết.

Ngay đây nếu thực sự mình không hồn nhiên vui vẻ thì phiền não bò ra liền, phải không? Nếu trong lòng chúng ta chứa sẵn những ngăn tủ, những cái hộc đựng toàn phiền não tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến… đủ thứ thì ai nói động đến là bực liền. Phật nói những điều này đáng bỏ, đáng buông mà mình buông hoài không hết.

Chúng ta cố gắng tu tập và làm sao chuyển hóa được tất cả những nhân duyên đó, dù là nhân duyên thuận nghịch, nhân duyên khổ vui hay nhân duyên gần xa để thành năng lực tu hành. Năng lực đó biểu hiện bằng cách lúc nào ta cũng cố gắng tu sửa. Một khi đã cố gắng tu hành thì không có vấn đề gì hết. Nếu mình có những giờ phút lơi lỏng chưa làm chủ được thì đó là chưa cố gắng. Biết như vậy, chúng ta phải tập trung cố gắng chuyển hóa để xoay tất cả những trở lực thành năng lực tăng tiến công phu tu hành, với một nhiệt tâm tu hành chừng nào thành Phật mới vừa lòng.

Khi chúng ta gặp những ưu tư, phiền não hay bất cứ điều gì bất như ý trong cuộc đời này, nếu không cương quyết, không phát tâm chuyển hoá, tu tập cho được thì nhất định những thứ đó sẽ làm chủ mình và đưa mình vào con đường tối tăm. Bây giờ thành Phật chưa được, phiền não chưa hết, buông ưu tư phiền muộn chẳng tới đâu, như vậy có nghĩa là trong bụng đầy ắp ưu tư chấp thủ. Tu như vậy thì chừng nào mới giải thoát? Đây là vấn đề trọng yếu của người Phật tử. Chúng ta nên soi xét, quán chiếu chính mình từ việc đi đứng ăn ở tu tập, hành trì học hỏi để thấy rõ những cù cặn vướng mắc, từ đó quyết tâm tu tập, nhất định sẽ hết khổ được vui.

Chúng ta đều biết muốn bỏ một tập khí là điều rất khó. Có khi mấy mươi năm ta chưa làm chủ được. Chỗ tu hành của chúng ta là cố gắng làm sao khi trong tàng thức của mình còn trong sáng thì đừng để nó chụp lấy những cáu bẩn phiền muộn. Điều này đòi hỏi bản thân chúng ta phải sáng suốt, phải thật sự nhìn rõ để bảo vệ, giữ gìn sự trong sáng trong tâm thức. Nếu đã lỡ nhiễm khiến hình thành một số thói quen xấu thì phải tập trung điều trị. Đây là một cách tu.

Như người Phật tử tôi kể trên, dù cho có bận bịu chuyện này chuyện kia đến mức độ không ngồi thiền, không lạy Phật, không tụng kinh được nhưng không phải như vậy là bỏ tu. Gầy dựng công phu bằng cách kiểm lại xem mình đã vướng phải những điều gì, nếu nhiều quá thì điểm trán một số thứ quan trọng để trị, rồi dần dần trị tiếp những thứ khác. Đây là cách công phu từng bước để trị phiền não, giúp mình tập làm chủ bản thân. Tóm lại nếu chúng ta biết được năng lực tu tập của mình tốt và những tập khí, thói quen, những hơi hớm của phiền não cần phải bỏ nó thì phấn khởi chuẩn bị cho công phu của mình thật tốt. Từng bước trị phiền não, cái nào nặng thì trị trước. Có khi ba bốn mươi năm chúng ta tụng kinh, ngồi thiền nhưng cũng chưa xác định đối tác chính xác phiền não loại gì, mà chỉ trị phiền não chung chung thôi.

Bây giờ phải khéo và sáng, điểm ra cái nào nặng cái nào nhẹ, cái nào nhiều cái nào ít để có phương pháp điều trị. Học theo lời Phật dạy, biết cách trị phiền não, nhất định phải trị cho được thì phiền não sẽ hết. Trái lại, chỉ nói phiền não này xấu, phiền não kia không tốt nhưng không quyết tâm bỏ thì bỏ không được. Không bỏ được phiền não thì tu sao đây? Cho nên phải điểm trán, soi rọi để khắc trị. Dù cho phiền não như núi non, như rắn hổ, khó khăn cách mấy mà biết cách trị, biết cách bỏ thì sẽ hết. Bằng chứng là trước chúng ta có bao nhiêu thiện hữu tri thức làm gương tốt cho người sau học hỏi theo. Một khi đã quyết tâm tu thì nhất định bỏ được những tập khí, những chủng tử, những thói hư tật xấu...

Kết thúc buổi nói chuyện hôm nay, điều mong mỏi của tôi là làm sao tất cả huynh đệ ai nấy đều cố gắng khắc phục những xấu dở của mình, làm chủ được những phiền não và chuyển hóa tất cả những nhân duyên hoặc xấu hoặc tốt, hoặc gần hoặc xa thành năng lực tu hành. Nhất định cố gắng tu hành thì mới được thành Phật như lời Hòa thượng Ân sư đã chỉ dạy.