CHÙA NGUYÊN NGỘ
chuanguyenngo.com

Chào mừng Quý Phật tử đến với Ban Bảo trợ 
www.chuanguyenngo.com

Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
Chung tay cứu độ thế gian
Vạn sự an bình phúc để ngàn sau 
Hãy mang hạnh phúc cho nhau
Còn hơn cay đắng khổ đau cuộc đời
Người ơi hãy giữ lấy lời
Nhân nào quả ấy khắc lời thiên thu



CÂU CHUYỆN MỘT CON ĐƯỜNG - HOÀNG PHONG



Chúng ta cũng không khác gì một đoàn người cùng bước đi trên Con Đường, một đoàn người vô cùng phức tạp: khác biệt nhau về đủ mọi mặt, từ tuổi tác, sức khỏe, văn hóa đến trình độ hiểu biết... Có những người thanh thản và yên lặng tiến bước; có những người bận rộn ngược xuôi nhằm khuyến khích và dìu dắt người khác, thậm chí đưa cả lưng mình để cõng người yếu đuối; lại cũng có kẻ chỉ thích đứng ở các trạm đón xe và chờ người đến rước. Ấy là chưa nói đến các cảnh tượng chen lấn và móc túi, hoặc lường gạt và lợi dụng nhau... Hơn nữa cũng có nhiều người không nhìn theo hướng ngón tay để tiến bước mà chỉ lanh quanh tìm kiếm của cải của người khác đánh rơi hoặc vứt bỏ lại, để rồi nào ôm, nào vác, nào đội lên đầu để mà vừa đi vừa vấp ngã. Không những thế, trên đường lại cũng có những đoàn người đi ngược chiều và chúng ta phải nép sang một bên để tránh không đâm sầm vào họ. Nhìn sang hai bên vệ đường thì chúng ta cũng sẽ thấy nhiều cảnh tượng thật huyên náo: nào chợ búa, cửa hàng, nhà hát, sòng bài, kể cả những cảnh lường gạt, đâm chém, bắn giết, bom nổ, nhà cháy, cầu sập..., và cũng có một số người dừng lại để mải mê nhìn và trong lòng thì vẫn còn cứ muốn xông vào để tham gia.

Bài viết ngắn này phác họa lại bằng một vài nét thật đơn sơ hình ảnh của Con Đường đó với đoàn người đang lầm lũi bước đi, hầu giúp cho mỗi người trong chúng ta nhìn thấy chính mình trên Con Đường đó để chọn cho mình một cách tiến bước tốt đẹp nhất. Thật vậy khi còn tại thế Đức Phật đã từng giảng dạy về Con Đường cho mọi người theo nhiều trình độ hiểu biết khác nhau. Ngài đã giải bày cho những người nông dân chất phác, thế nhưng cũng từng đưa lên một cánh hoa và không nói lên một lời nào cả để giảng về Con Đường ấy cho những người khác. Sự kiện đó cho thấy tuy Con Đường luôn là một, lúc nào cũng là một, thế nhưng lại mang nhiều sắc thái khác nhau. Vì thế mà Vị Thầy cũng đã phải sử dụng nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau. Sau khi Ngài tịch diệt thì Con Đường thay Ngài làm Vị Thầy để hướng dẫn chúng ta, và các đệ tử đã họp nhau lại để cố giữ gìn cho Con Đường luôn được chỉnh trang và quang đãng. Họ quét dọn rác rưởi, thu dọn chướng ngại và mở rộng thêm, mỗi lần như thế thì lại gọi là một Đại Hội Kết Tập Đạo Pháp. Vì mục đích thích ứng với các trào lưu tư tưởng và các nét đặc thù văn hóa địa phương của từng thời đại và cũng do tánh khí khác biệt của các đệ tử sau này mà Con Đường đã có đôi chút biến dạng và cũng đã khoác thêm cho mình một vài trang trí mới khiến quang cảnh có phần khác đi phần nào. Ngoài những người mặc áo màu nghệ ra thì người ta còn trông thấy trên Con Đường có cả những người mặc áo màu đen, màu lam, màu đỏ sậm, màu nâu...

Thật thế, ngay từ lần Kết Tập tổ chức vào thế kỷ thứ III trước Tây Lịch, người ta cũng đã thấy xuất hiện hai tông phái khác nhau. Sau đó đến lần Kết Tập vào thế kỷ thứ I sau Tây lịch thì hai tông phái này đã nhân lên gấp đôi, và mỗi tông phái lại gồm có nhiều học phái, tổng cộng là 18 học phái tất cả. Thế nhưng hầu hết các học phái này đã mai một và chỉ còn lại một học phái tồn tại đến nay dưới một hình thức mới gọi là Phật Giáo Nguyên Thủy hay Theravada. Đồng thời cũng vào khoảng thế kỷ thứ I, người ta cũng thấy xuất hiện trên Con Đường một một khuynh hướng mới gọi là Đại Thừa. Đại Thừa sau đó lại chia ra thành nhiều tông phái, học phái và chi phái khác nhau, chủ trương nhiều phép tu tập khác nhau.

Tóm lại hiện nay trên Con Đường có hai khuynh hướng hay hai chủ trương chính yếu là Phật Giáo Nguyên Thủy Theravada và Phật Giáo Đại Thừa Mahayana. Sự khác biệt giữa hai khuynh hướng này thuộc vào lãnh vực "thực hành" nhiều hơn, trong khi đó thì "cứu cánh" luôn chỉ là một.

Phật giáo Nguyên Thủy còn được gọi là Phật Giáo "Nam Tông" hay "Tiểu Thừa". Sở dĩ gọi là Nguyên Thủy bởi vì phần giáo lý căn bản hoàn toàn được dựa vào các kinh sách gốc, tức các kinh sách có nội dung cổ xưa và được xem là chính thống, đấy là Tam Tạng Kinh. Tuy nhiên cũng khó biết là giữa kinh sách Nguyên Thủy và kinh sách Đại thừa thì kinh sách nào xưa hơn, bởi vì tất cả kinh sách bằng chữ viết đều xuất hiện rất gần nhau vào khoảng thế kỷ thứ I trước Tây Lịch.

Phật Giáo Nguyên Thủy còn được gọi là Phật Giáo "Nam Tông" vì sau này được phát triển tại các quốc gia thuộc vào phía đông và phía nam của bán lục địa Ấn Độ, gồm các quốc gia như Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan và Campuchia. Thế nhưng trên thực tế thì cách gọi đó cũng không được chính xác lắm, bởi vì trước đây hầu hết các quốc này như Miến Điện (Myanmar), Thái Lan và Campuchia đều theo Phật Giáo Đại Thừa và chỉ sau đó thì mới chuyển sang Phật Giáo Nguyên Thủy do quyết định của vương quyền thời bấy giờ.

Nếu gọi Phật Giáo Nguyên Thủy là "Tiểu Thừa" thì lại càng không đúng hơn nữa, bởi vì chữ "Tiểu Thừa" được nêu lên trong các kinh sách Đại Thừa nhằm mục đích phân biệt với chủ trương tu tập mới của tông phái này, bởi vì theo Đại Thừa thì việc tu tập không nhất thiết chỉ mong cầu tìm thấy sự giác ngộ cho riêng mình còn phải giúp đỡ tất cả chúng sinh khác tìm thấy sự giải thoát. Tóm lại nếu gọi Phật Giáo Nguyên Thủy là "Nam Tông" hay "Tiểu Thừa" thì không được đúng lắm, và nếu như không muốn gọi là Nguyên Thủy thì cũng có thể gọi tông phái Phật Giáo này là Theravâda,tiếng Pa-li theravâda có nghĩa là con đường xưa hay giáo lý xưa. Vậy tóm lại có những gì khác biệt trên căn bản giữa hai khuynh hướng Nguyên Thủy và Đại Thừa? Sự khác biệt thứ nhất thuộc lãnh vực kinh sách, sự khác biệt thứ hai là phép tu tập của Đại Thừa rộng hơn và có phần nhập thế hơn.

Giáo lý căn bản của Phật Giáo Nguyên Thủy được quy định bởi các kinh sách xưa hay chính thống gọi là Tam Tạng Kinh, trong khi đó thì kinh sách của Đại Thừa gồm chung cả Tam Tạng Kinh và cả các kinh sách "xuất hiện muộn", tức là các kinh sách được trước tác từ thế kỷ thứ I trước Tây lịch đến các thế kỷ thứ V và thứ VI, kể cả các kinh sách tan-tra xuất hiện muộn hơn nữa tức vào khoảng thế kỷ thứ VIII đến thứ X. Tuy nhiên tất cả các tông phái đều cho rằng kinh sách thuộc tông phái của mình đều xuất phát từ thời kỳ của Đức Phật lịch sử, bằng cách viện dẫn là Đức Phật thuyết giảng theo nhiều trình độ khác nhau nhằm vào các đối tác khác nhau, các kinh sách liên hệ được cất dấu để tránh khỏi bị mất mát vì chiến tranh và cướp phá và chỉ được tìm thấy khi cơ duyên hội đủ. Thật thế việc khám phá kinh sách dấu kín thường xảy ra trong quá khứ ở Tây Tạng.

Tóm lại Phật Giáo Nguyên Thủy và Phật Giáo Đại Thừa không phải là hai "học phái" hay "tông phái" khác nhau, mà đúng ra chỉ là hai thái độ hay hai chủ trương tu tập khác nhau, và cùng tiến bước trên một Con Đường chung. Trên phương diện áp dụng thì Phật Giáo Nguyên Thủy đòi hỏi người tu hành phải tách rời sự sinh hoạt của mình ra khỏi đời sống thế tục, phải tuân thủ thật nghiêm túc giới luật, nhắc nhở mình luôn phải buông xả và hướng vào thể dạng giải thoát của một vị A-la-hán. Trong khi đó thì Phật Giáo Đại Thừa nêu lên hình ảnh lý tưởng của một người Bồ-tát nhất định chối bỏ sự giác ngộ tối thượng của mình để lưu lại trong thế giới Ta-bà hầu tiếp tục giúp đỡ tất cả chúng sinh.

Nếu muốn bước vào Đại Thừa một cách vững chắc và dễ dàng thì cũng nên có một số hành trang tối thiểu nào đó về Phật Giáo Nguyên Thủy. Nói như thế không có nghĩa là Phật Giáo Nguyên Thủy chỉ mang tính cách giai đoạn, mà thật ra tự nó cũng là một tông phái đầy đủ và toàn vẹn. Phật Giáo Đại Thừa trái lại dù mang một số khía cạnh và thể dạng khá sâu sắc, thế nhưng các phương pháp tu tập thì lại quá đa dạng. Dù sao đi nữa nếu khởi sự bước vào Con Đường với hành trang của Phật Giáo Nguyên Thủy thì đến một lúc nào đó một sự đòi hỏi khác cũng có thể sẽ tự nhiên phát sinh thúc đẩy người tu tập nên chọn thêm cho mình cách hành xử của Đại thừa. Thật ra thì đấy cũng không phải là cách loại bỏ Phật Giáo Nguyên Thủy khi đã bước được vào Đại Thừa, bởi vì sự chính xác và tinh khiết của Phật Giáo Nguyên Thủy luôn luôn là những gì thật cần thiết cho người tu tập. Tóm lại là Phật Giáo Nguyên Thủy cũng như Đại Thừa cả hai đều bổ khuyết cho nhau.

Thoạt nhìn thì Phật Giáo Đại Thừa vô cùng phức tạp, đến độ một số người tu tập theo Phật Giáo Nguyên Thủy có thể cho rằng Phật Giáo Đại Thừa đi trệch ra ngoài Con Đường. Thế nhưng trên thực tế thì các hình thức "biến đổi" chỉ là một sự tiến hoá giúp Con Đường mở rộng thêm vào thế giới thật đa dạng này của chúng ta và mang lại cho Phật Giáo nói chung nhiều khía cạnh mới mẻ và sâu sắc hơn. Phật Giáo Nguyên Thủy tự cho mình là giữ đúng theo giáo lý do Đức Phật thuyết giảng, thế nhưng thật ra thì cũng đã biến đổi không ít theo dòng thời gian, nhằm thích ứng với các bối cảnh địa phương và các xu hướng khác nhau. Một cách thật tổng quát thì có thể xem Phật Giáo Nguyên Thủy mang ít nhiều tính cách "chính thống" khá gò bó và luôn quan tâm giữ đúng theo những gì được ghi chép trong các kinh sách xưa, trong khi đó thì Phật Giáo Đại Thừa mang nhiều khía cạnh "cởi mở" và mang ít nhiều khía cạnh "nhập thế" hơn. Vậy Phật Giáo Đại Đại Thừa thật sự là gì?

Nếu Phật Giáo Nguyên Thủy chủ trương hình ảnh tinh khiết của một vị A-la-hán thì Phật giáo Đại Thừa đề cao trọng trách của một vị Bồ-tát. Trên Con Đường, nếu tu tập theo Phật Giáo Nguyên Thủy thì cứ nhìn vào vị A-la-hán trước mặt mà bước theo, nếu tu tập theo Đại Thừa thì sẽ cùng sánh vai với người Bồ-tát để hành động như một người Bồ-tát. Hơn nữa ngoài hình ảnh lý tưởng của người Bồ-tát ra thì Phật giáo Đại Thừa còn kết nạp thêm đủ mọi thứ thần linh địa phương, hiền hoà cũng có mà hung tợn cũng có, và đồng thời vô số các vị Phật cũng xuất hiện thêm. Do đó Con Đường đối với Đại Thừa cũng trở nên đông đảo và vui nhộn hơn. Phật Giáo Đại Thừa gồm có ba tông phái hay ba học phái lớn và chính yếu là Tịnh Độ, Thiền học và Kim Cương Thừa.

Thuở xưa tại Ấn Độ có một vị vua giàu có và rất thông minh xuất gia mang pháp danh là Dharmakara và nguyện rằng sau khi thành Phật thì nếu có bất cứ chúng sinh nào thành tâm cầu khẩn thì Ngài sẽ tiếp dẫn vào cõi Cực Lạc. Sau nhiều kiếp tu tập thì vị này đạt được sự giải thoát toàn vẹn và trở thành một vị Phật mang tên là A-di-đà, hội đủ khả năng tiếp dẫn chúng sinh đúng như lời nguyện ước trước đây của Ngài. Nếu chúng sinh nào muốn được tiếp dẫn về cõi Cực Lạc sau khi chết thì phải thành tâm kêu gọi đến lòng từ tâm của Ngài. Đấy là "pháp môn" Tịnh Độ. Thế nhưng cũng cần phải hiểu là Đức Phật A-di-đà còn nguyện rằng "Cho đến khi nào vẫn còn một chúng sinh chưa được giải thoát thì mình vẫn chưa nhập vào cõi Cực Lạc", và đấy là những gì cho thấy một cấp bậc cao hơn của Tịnh Độ, tức là sự liên kết chặt chẽ giữa lòng Từ Bi và sự Giác Ngộ.

Căn bản giáo lý của Tịnh Độ được căn cứ vào ba tập kinh là Vô Lượng Thọ Kinh, A-di-đà Kinh Quán Vô Lượng Thọ Kinh. Pháp môn Tịnh Độ chỉ chú trọng đến đức tin và sự cầu khẩn do đó thường được xem là một phép tu tương đối "dễ dàng". Dầu sao đi nữa thì phép tu này cũng cho thấy một số trở ngại nào đó không thuận lợi lắm cho việc tìm hiểu sâu xa giáo lý của Đức Phật lịch sử là Đức Thích-ca Mâu-ni.

Thiền Tông hay Thiền Học còn gọi là Zen hay T'chan. Thiền tông được một vị thầy người Ấn là Bồ-đề Đạt-ma hệ thống hóa tại Trung Quốc vào thế kỷ thứ VI. Thế nhưng người ta thường có khuynh hướng xem Thiền Tông phát xuất từ giai thoại gọi là "niêm hoa vi tiếu" (cầm hoa mỉm cười) từ thời kỳ Đức Phật Thích-ca Mâu-ni còn tại thế. Trong một buổi thuyết giảng, Đức Phật cầm một cành hoa đưa lên nhưng không nói một lời nào, đại chúng ngơ ngác, chỉ có một người đệ tử là Ma-ha Ca-diếp mặt bỗng bừng sáng và mỉm cười. Sự yên lặng của Đức Phật và nụ cười của Ma-ha Ca-diếp biểu trưng cho sự quán nhận hiện thực một cách trực tiếp, vượt khỏi tính cách quy ước và nhị nguyên của ngôn từ. Do đó người ta xem Ma-ha Ca-diếp là vị Tổ thứ nhất của Thiền Tông Ấn Độ và Bồ-đề Đạt-ma là vị Tổ thứ 28 mang Thiền Tông vào Trung Quốc.

Thiền Tông có thể xem như một phép tu bằng "đường tắt", và nếu đã gọi là "đường tắt" thì tất nhiên cũng có nghĩa là một con đường "ngắn" và "khó", và đương nhiên đấy cũng là những gì ngược hẳn lại với con đường của Tịnh Độ trên đây. Kinh sách đặc thù của Thiền học gần như không có gì ngoài một bộ kinh của Đại Thừa nói chung rất gần với quan điểm Thiền Tông là bộ Nhập Lăng Già Kinh,và một số các tập sách khác ghi chép các "công án". Công án là các câu phát biểu hay các mẫu chuyện ngắn mang tính cách "bất ngờ", "phi lý" hoặc có thể là các câu trả lời "ngớ ngẩn" hay "lạc đề" nhằm mục đích giúp người tu tập phá bỏ các ngõ ngách của tư duy, vượt thoát khỏi mọi sự lý luận căn cứ vào các thứ hiểu biết bằng quy ước và khái niệm, hầu giúp cho người hành thiền tiếp cận trực tiếp với bản chất đích thật của mọi hiện tượng. Sự quán thấy trực tiếp hiện thực ấy chính là sự Giác Ngộ.

Học phái thứ ba của Đại Thừa là Kim Cương Thừa còn được gọi là Phật Giáo Tan-tra, một thừa Phật Giáo rất toàn vẹn, bao gồm toàn bộ căn bản giáo lý của Phật Giáo nói chung từ Tam Tạng Kinh đến các kinh sách Đại Thừa và quan trọng nhất là các kinh sách tan-tra. Người ta thường hiểu sai và cho rằng Kim Cương Thừa là Phật Giáo của xứ Tây Tạng. Thật ra thì đấy là một tông phái rất lớn, chính thức được hình thành và được hệ thống hóa một cách chặt chẽ tại Ấn Độ vào khoảng thế kỷ thứ VIII, và sau đó thì được đưa vào các nước thuộc phía bắc Ấn Độ như Tây Tạng, Mông Cổ, Trung Quốc, Nhật Bản..., và đồng thời bành trướng sang các quốc gia khác về phương nam như Miến Điện, Thái Lan, Campuchia, Nam Dương (Indônêxia)..., trước khi các quốc gia này chuyển sang Phật Giáo Nguyên Thủy. Bằng chứng cụ thể về sự hiện diện của Kim Cương Thừa trong toàn vùng này là di tích đồ sộ của Phật Giáo tan-tra tại cựu kinh đô Pagan của Miến Điện và ngôi đền Phật Giáo tan-tra lớn nhất thế giới là Borobudur tại đảo Java của Nam Dương.

Tan-tra có nghĩa là "những gì che chở cho tâm thức" tức là giữ cho tâm thức vững vàng không bị các thứ xúc cảm bấn loạn, hoang mang làm cho nó bị phân tán. Những gì khác biệt giữa Tan-tra Thừa và các tông phái khác chính là phép tu tập độc đáo của tông phái này: đấy là cách lợi dụng tất cả các sức mạnh của xung năng trong tâm thức để biến chúng trở thành những sức mạnh tu tập hướng vào sự giác ngộ. Thí dụ một gốc cây cho ra những quả đắng và độc hại, thì đối với các tông phái Phật Giáo khác thì phải nhổ bỏ tận gốc, chặt bỏ tận rễ khiến cho nó không còn mọc lại được nữa, thế nhưng đối với Tan-tra Thừa thì người tu tập phải "nuốt" những quả độc đó để chuyển nó thành nguồn sinh lực tinh túy và cực mạnh để giúp mình hướng vào đường tu tập. Tóm lại đấy có nghĩa là chuyển tất cả sức mạnh của mọi thứ xúc cảm, kể cả những thứ xúc cảm bấn loạn nhất, thành ra sức mạnh của sự hăng say và trí tuệ. Hơn nữa phép tập luyện tan-tra còn dựa vào nhiều biểu tượng và nghi lễ thật phức tạp (mạn-đà-la, các câu man-tra, v.v.) do đó tu tập Tan-tra hay Kim Cương Thừa phải cần đến sự chỉ dẫn và giúp sức của các vị thầy đầy đủ khả năng.

Trên đây là một vài nét phác họa về Con Đường. Phật Giáo Nguyên Thủy tượng trưng cho những bước đi thật chủ yếu và vững chắc, do đó rất tinh khiết. Tịnh Độ chủ trương những bước đi "nhẹ nhàng", vì thế cũng có thể sẽ phải cần đến một thời gian khá lâu dài để có thể nhìn thấy mức đến ở cuối Con Đường. Thiền Tông là một chủ trương ngược lại và được xem là khá "khó", phải chủ động được sự vận hành của tâm thức và quán nhận trực tiếp được hiện thực, và do đó cũng có thể đòi hỏi người tu tập cần phải có một vài khía cạnh đặc biệt nào đó phù hợp với phép tu tập này. Sau hết thì Kim Cương Thừa tỏ ra toàn vẹn và tích cực hơn cả, thế nhưng rất phức tạp và đa dạng, cần phải có một lòng quyết tâm khác thường và sự hướng dẫn của một vị thầy đầy đủ khả năng.

Trên Con Đường đó lúc nào cũng có những người tu tập vừa đi vừa ngoảnh lại, hoặc vẫn còn thích ngắm nhìn những cảnh tượng đủ loại ở hai bên đường. Có những người khập khễnh phải nương tựa vào nhau mà đi, có những người ngồi xuống để băng bó vết thương cho những người vấp ngã, và cũng có những người đi rất nhanh. Dù sao thì tất cả mọi người trên Con Đường đều có thể bước vào giai đoạn cuối cùng vào một ngày nào đó. Vậy cái giai đoạn cuối cùng ấy sẽ như thế nào?

Càng tiến bước thì Con Đường có vẻ ngày càng trở nên rộng hơn, thênh thang và chan hòa ánh sáng. Thế rồi vào một lúc nào đó, bất chợt người lữ hành sẽ cảm thấy Con Đường biến đổi hẳn đi, tất cả các điểm chuẩn để định hướng hình như đều tan biến hết không còn xác định được đâu là phía trước, phía sau, bên phải, bên trái, bên trên, bên dưới..., vì thế dù có muốn thì người lữ hành cũng không còn bước thêm được một bước nào nữa, và cũng không thể thụt lùi lại được nữa. Người ấy có cảm giác hình như không gian, thời gian, Con Đường và cả chính mình đã trở thành một.

Dù có dùng tâm thức để "quay nhìn lại phía sau" thì người ấy cũng sẽ chẳng thấy "Con Đường" ở đâu cả. Các tông phái trước đây như Nguyên Thủy, Tịnh Độ, Thiền Tông, Tan-tra... cũng biến mất, hay ít ra cũng không còn đủ sức thu hút nữa, tương tự như các trò chơi bắn bi, đánh đáo hay nhảy dây mà người ấy từng say mê ngày còn nhỏ. Tất cả các hiện tượng đều tan biến không còn tạo ra một sự tương tác nào nữa, các nút thắt của quy luật tương liên đều được tháo gỡ, hiện tượng vô thường và quy luật nguyên nhân và hậu quả không còn gây ra một tác động nào. Sự kiện ấy cho thấy là người lữ hành đang đặt chân lên bước cuối cùng trên Con Đường. Sau cái bước ấy thì chẳng có gì để mà sinh ra và cũng chẳng có gì để mà hủy hoại, tất cả đều dừng lại và đình chỉ. Câu chuyện một cuộc phiêu lưu cũng chấm dứt ở đấy.